Doanh nghiệp - doanh nhân

PVCFC chủ động nguồn khí cho sản xuất và thị trường: Xây cốt lõi, tạo vững bền

Kông Nguyên 12/03/2024 - 12:53

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch quản trị năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 so với kế hoạch 5 năm và mục tiêu, chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045 của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC/Phân bón Cà Mau), Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng lưu ý: Vấn đề cốt lõi nhất của PVCFC là đảm bảo nguồn khí ổn định, lâu dài cho nhà máy, tiếp đến là phát triển thị trường.

chu-tich-hdtv-tong-giam-doc-petrovietnam-le-manh-hung-tai-buoi-hop-voi-pvcfc-ngay-6-3-2024.jpg
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tại buổi họp với PVCFC ngày 6/3/2024

Phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh cho biết, triển khai kế hoạch (KH) giai đoạn 3 năm (2021 - 2023) theo KH 5 năm (2021 - 2025) được Tập đoàn phê duyệt, PVCFC đã bám sát nhiệm vụ đặt ra. Sản lượng sản xuất Urê quy đổi đạt 2.772 nghìn tấn, đạt 61% so với KH 5 năm. Tổng doanh thu đạt 39,32 nghìn tỷ đồng, đạt 55% so với KH 5 năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 7,79 nghìn tỷ đồng, đạt 74% so với KH 5 năm...

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn liên tục, ổn định, công suất sản xuất Urê trung bình 114,76%; sản xuất NH3 là 115,57%. Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu 2 tháng đầu năm. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, sản lượng Urê quy đổi đạt 165,22 nghìn tấn, đạt 108% KH 2 tháng và đạt 104% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu 2 tháng ước đạt 1.405,49 tỷ đồng, đạt 115% KH 2 tháng.

trong-2-thang-dau-nam-san-luong-ure-tai-nha-may-dam-ca-mau-dat-165-22-nghin-tan.png
Trong 2 tháng đầu năm sản lượng Urê tại Nhà máy Đạm Cà Mau đạt 165,22 nghìn tấn

Theo Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh, năm 2023, PVCFC được đánh giá là đơn vị triển khai tốt hoạt động chuyển đổi số. Cụ thể, PVCFC đã triển khai nhiều dự án liên quan chuyển đổi số, tích hợp các hệ thống, tự động hóa các nghiệp vụ chính từ các hệ thống như DMS, ERP… nhằm số hóa tối thiểu 20% các quy trình hoạt động nghiệp vụ trên các nền tảng số. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để tăng khả năng lưu trữ, bảo mật, đồng thời đồng bộ thông tin dữ liệu hóa sản xuất kinh doanh với Tập đoàn. Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đã sẵn sàng kết nối với hệ thống ERP của Tập đoàn.

Trong công tác quản trị, PVCFC đã từng bước triển khai xây dựng định hướng chiến lược phát triển bền vững theo đúng tiêu chuẩn ESG về môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp. Đã hoàn thành chuẩn hóa chuỗi giá trị và hệ thống văn bản quy phạm, ma trận kiểm soát các quy trình và số hóa quy trình nghiệp vụ giúp kết nối nhanh chóng. Tiếp tục bám sát Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam, lồng ghép các giá trị văn hóa PVCFC trên 4 phương diện: Thể chất - Trí tuệ - Tình cảm - Tinh thần.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động thị trường, tuy nhiên, PVCFC đã nỗ lực vượt qua và đạt được kết quả rất ấn tượng, toàn diện trong các mặt hoạt động năm 2023. Cụ thể, doanh thu đạt 13.572 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.031 tỷ đồng.

Cùng các sản phẩm chủ lực, các dòng sản phẩm NPK Cà Mau đã đặt dấu mốc rất lớn trên con đường hoàn thành sứ mệnh của PVCFC. Từ đó, giúp đưa bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng tới bà con. Hai nhà máy mới sẽ là mảnh ghép giá trị góp phần nâng tầm nông sản Việt và thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp. PVCFC tự hào khi nhìn lại chặng đường đã qua, đầy gian khó nhưng rất vinh quang.

Năm 2023, thương hiệu Phân bón Cà Mau tiếp tục được bà con nông dân các tỉnh thành trên khắp cả nước đón nhận, hài lòng và gắn bó. Sự tin tưởng, hợp tác chặt chẽ của khách hàng, người tiêu dùng đã và đang mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh đáng khích lệ cho Công ty. Ngoài kết quả vững vàng với 60% thị phần khu vực Tây Nam Bộ, sản phẩm Phân bón Cà Mau của PVCFC lập kỷ lục mới khi chiếm giữ đến 60% thị phần phân bón của cả nước và lần lượt mở rộng tiềm năng trên 18 quốc gia, lãnh thổ, góp phần gia tăng vị thế nông nghiệp Việt trên thị trường thế giới. Đáng nói, đến đầu năm 2024, Công ty chính thức xâm nhập sản phẩm vào 2 thị trường phân bón khó tính của thế giới là Úc và New Zealand.

Đúng 24h ngày 31/12/2023, sản lượng sản xuất của Nhà máy Đạm Cà Mau đạt 955,6 nghìn tấn, phá kỷ lục năm 2022. Sản lượng tiêu thụ ra thị trường năm 2023 cũng đạt rất cao, lên tới 1,267 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Kiến tạo giá trị bền vững hơn, thịnh vượng hơn

“Kiến tạo giá trị bền vững hơn, thịnh vượng hơn” chính là phương châm hành động trong năm 2024 và suốt quá trình phát triển của PVCFC. Với định hướng đóng góp phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, PVCFC xác lập 3 mũi chiến lược chính cần tập trung trong năm 2024 là: Đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số. Nhận định về thách thức và đón đầu cơ hội, Công ty đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư và khách hàng khi 3 lần liên tiếp được vinh danh “Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất”.

Về định hướng chiến lược phát triển trung và dài hạn, PVCFC xác định một số nhiệm vụ chính, đó là: Đẩy mạnh đầu tư thực hiện chiến lược đến năm 2025 làm nền tảng cho sự dịch chuyển. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến 298 tỷ đồng; Khai thác thế mạnh về mặt công nghệ nhà máy để tối ưu hóa và mở rộng sản xuất; Đầu tư hệ thống kho bãi phục vụ công tác Logistic; Mở rộng hạ tầng phục vụ xuất hàng, lưu trữ nguyên liệu, hạ tầng các hoạt động và kinh doanh, hoạt động chuyển đổi số,…

san-pham-cua-phan-bon-ca-mau-hien-dang-co-mat-tren-20-quoc-gia.jpg
Sản phẩm của Phân bón Cà Mau hiện đang có mặt trên 20 quốc gia

Chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn 2045, PVCFC sẽ tập trung phát triển sản phẩm và các bộ giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, nông sản và xuất khẩu, khí công nghiệp và hóa chất, mở rộng kinh doanh quốc tế, dịch vụ bảo dưỡng, vận hành và mở rộng lĩnh vực Logistic.

Trong hoạt động đầu tư, năm 2024, đơn vị tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp và triển khai đầu tư 6 dự án mới, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư 12 dự án. Bên cạnh đó, Công ty chú trọng vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đáng chú ý là việc thực hiện các thí nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả phân bón tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển của PVCFC tại Thạch Hóa, Long An. Định hướng nơi đây trở thành trung tâm nghiên cứu lớn nhất khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực nông nghiệp.

Để PVCFC có sự phát triển vững chắc trong tương lai, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam lưu ý: Vấn đề cốt lõi nhất, đó là đảm bảo nguồn khí ổn định, lâu dài cho nhà máy, tiếp đến là phát triển thị trường. Trong đó, PVCFC lưu ý việc nghiên cứu, đánh giá kỹ về Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đây là Đề án quan trọng, cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam, đó là: Tăng sản lượng lúa gạo; Tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa; Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tốt công tác chuyển đổi số, tăng cường công tác quản trị, vận hành bảo dưỡng nhà máy…

Lãnh đạo Tập đoàn cũng đề nghị các Ban liên quan tổng hợp, rà soát các kiến nghị nhằm hỗ trợ PVCFC về việc cung cấp đủ lượng khí PM3-CAA đảm bảo cho Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành ổn định; tính toán các yếu tố giảm cước phí vận chuyển; vận hành ổn định theo Luật Thuế 71 về phân bón.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PVCFC chủ động nguồn khí cho sản xuất và thị trường: Xây cốt lõi, tạo vững bền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO