PTSC được chấp thuận khảo sát hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển
Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) vừa chấp thuận cho Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tiến hành hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Quyết định số 2452/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 24/8/2023, Bộ TN&MT chấp thuận để Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) được tiến hành hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm Khu vực biển số 1 và Khu vực biển số 2.
Khu vực biển số 1 gồm 2 khu vực với diện tích được sử dụng là 89.027 ha, độ sâu được sử dụng từ 20 - 35m (theo Hệ độ cao Hòn Dấu). Khu vực biển số 2 gồm 2 khu vực có diện tích 98.897 ha, độ sâu được sử dụng từ 50 - 65m (theo Hệ tọa độ Hòn Dấu). Thời gian thực hiện trong 36 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Bộ TN&MT yêu cầu PTSC lập, gửi thông tin chi tiết về các hoạt động khảo sát địa vật lý, địa kỹ thuật, khảo sát đánh giá tác động môi trường và xã hội, khảo sát đo gió, khí tượng và hải dương (chi tiết vị trí, phạm vi, tọa độ, ranh giới, diện tích, độ cao, độ sâu khu vực biển và thời gian, lịch trình chi tiết của từng hoạt động...) đến Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu khi tiến hành thực hiện các hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.
Cùng với đó, định kỳ 6 tháng/lần, PTSC phải báo cáo, cung cấp thông tin bằng văn bản về tình hình sử dụng khu vực biển cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, chấp hành quyết định kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Bộ TN&MT yêu cầu PTSC thực hiện đúng quy định của pháp luật về hành lang an toàn đối với hoạt động lắp đặt, sử dụng các thiết bị; Thực hiện đúng các quy định pháp luật về phát triển điện gió và các quy định khác của pháp luật liên quan đến phát triển các dự án điện; Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, pháp luật về thủy sản.
PTSC cũng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái biển, bảo tồn đa dạng sinh học; không làm gây thiệt hại đến tài nguyên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng chống cháy nổ, phòng chống sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Phải dừng ngay hoạt động khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…
Trước đó, ngày 10/2/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, PTSC và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ và trao Thỏa thuận Phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.
Ngày 11/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về nội dung khảo sát các vùng biển tiềm năng để hướng đến đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Quy hoạch Điện VIII. Tại cuộc họp, PTSC đã trình bày báo cáo khảo sát biển hướng tới đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phục vụ trong nước và xuất khẩu điện sang Singapore.
Theo đó, PTSC đề xuất khu vực dự kiến triển khai Dự án là khu vực biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng hiện tích 99.322 ha. Dự án có công suất phát điện dự kiến 2.300 MWm.
Phương án phát triển Điện lực Quốc gia trong Quy hoạch Điện VIII nêu rõ: Đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW.