Tài nguyên

Phước Sơn (Quảng Nam): Bảo vệ rừng để phát triển kinh tế dưới tán rừng

Đông Duy 30/08/2024 - 16:06

Phước Sơn là một trong các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có diện tích rừng lớn với hơn 80.000ha rừng, trong đó có khoảng 67.000 rừng tự nhiên. Hiện tại, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ và phát triển bền vững nhằm nâng cao giá trị từ rừng để giúp cho người dân sống ở các vùng giáp ranh có điều kiện phát triển kinh tế và ổn định hơn.

PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn để hiểu rõ hơn về vấn đề này:

PV: Thưa ông, những năm qua, huyện Phước Sơn đã có những giải pháp gì để bảo vệ tài nguyên rừng?

Ông Lê Quang Trung: Toàn huyện Phước Sơn hiện có trên 67.000 ha rừng tự nhiên và 14.000 ha rừng trồng. Đây được xem là một trong những tiềm năng kinh tế rất lớn, tạo nguồn thu nhập bền vững góp phần nâng cao đời sống của người dân và gắn bó với rừng.

Hiện tại, huyện triển khai nhiều chủ trương để cùng thực hiện, ngoài các chính sách bảo vệ và phát triển rừng của Trung ương như: Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững...) và của tỉnh như: Nghị quyết 22/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025; Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 10/10/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025...

img_8756.jpg
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam)

Ngoài ra, Huyện ủy Phước Sơn đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 27/9/2021 về phát triển kinh tế lâm nghiệp huyện Phước Sơn, với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ tốt các diện tích rừng tự nhiên hiện có, duy trì và tăng độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 75%, trồng rừng sản xuất hàng năm đạt 1.000 ha (chủ yếu trồng lại sau khai thác), trồng 3.750.000 cây xanh theo Chương trình trồng mới 01 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, phát triển các loài dược liệu phù hợp với địa phương, bảo tồn và phát triển cây quế Trà My.

PV: Việc quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả đã giúp cho người dân Phước Sơn có điều kiện phát triển kinh tế và ổn định hơn như thế nào thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, thì Phước Sơn cũng như các địa phương khác trong cả nước, đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức phi Chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Trên địa bàn huyện có 73.891,40ha được giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ. Trong đó, diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng là 47.186,33ha do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý RPH huyện và Vườn Quốc Gia Sông Thanh thực hiện; diện tích còn lại thuộc các chương trình, dự án, chính sách khác của Nhà nước với định mức hỗ trợ 600.000 đồng/ha/năm giao cho 18 cộng đồng/5 xã/ với 766 người dân tham gia bảo vệ rừng, kinh phí hỗ trợ các cộng đồng khoảng trên 13 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi người dân tham gia được hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng/tháng.

Nhờ vậy đã góp phần lớn vào công tác giảm nghèo của địa phương. Năm 2022, toàn huyện đã giảm được 466 hộ nghèo và cận nghèo (giảm 7,7% so với năm 2021). Năm 2023, giảm 505 hộ nghèo và cận nghèo (giảm 7,47% so với năm 2022).

Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Phước Sơn vẫn còn nhiều khó khăn rất khó giải quyết, nhất là nhiều diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ, nằm xen lẫn với đất đai, nương rẫy của người dân bị lấn chiếm dần do phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương; cơ chế, chính sách quản lý rừng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý về trách nhiệm của cộng đồng bảo vệ rừng nếu để xảy ra tình trạng mất rừng tự nhiên, lực lượng kiểm lâm địa bàn tại các địa phương không đủ theo quy định,...

dji_20240423144908_0720_d-min.jpg
Hiệu quả từ bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo bền vững tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam)

PV: Thưa ông, để tiếp tục khai thác bền vững tiềm năng từ rừng góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thời gian tới Phước Sơn sẽ có những giải pháp gì?

Ông Lê Quang Trung: Để nâng cao độ che phủ rừng, huyện chỉ đạo quyết liệt thực hiện phát triển trữ lượng diện tích rừng trồng hiện có, giảm thiểu tới mức thấp nhất việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tập trung trồng rừng mới. Hàng năm khai thác trên 100.000 m3 gỗ rừng trồng, giá trị doanh thu ước đạt 99 tỷ đồng. Chú trọng công tác phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, từng bước cải thiện chất lượng rừng trồng thông qua trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC và coi đây là một định hướng quan trọng để phát triển rừng trồng, trong năm 2023 huyện có 500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC; dự kiến đến năm 2030 đạt 1.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và có 20% rừng trồng theo hướng trồng rừng gỗ lớn.

Đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và trồng cây phân tán, huyện khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia, đảm bảo theo hướng các bên đều có lợi cho người dân tiếp cận để phát triển kinh tế, đồng thời huy động và có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển trồng rừng trên địa bàn huyện.

Đồng thời, tiếp tục phát triển trồng rừng phù hợp với điều kiện sinh thái theo từng vùng, phát triển trồng cây nguyên liệu (keo) ở các xã vùng trung và vùng thấp; phát triển trồng Quế, cây Dỗi lấy hạt và các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao khác ở vùng cao để hỗ trợ người dân phát triển trồng rừng theo hướng thâm canh, xem canh để sử dụng có hiệu quả diện tích đất. Ưu tiên gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững. Chú trọng các giải pháp nâng cao giá trị trồng rừng như: Đẩy mạnh chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC; hỗ trợ chuyển đổi trồng cây keo sang trồng các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 của HĐND huyện;...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phước Sơn (Quảng Nam): Bảo vệ rừng để phát triển kinh tế dưới tán rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO