Phúc Tân (Hoàn Kiếm - Hà Nội):Nước rút, người dân tất bật dọn rác, khử trùng
(TN&MT) - Sáng 13/9/2024, người dân ven sông Hồng đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa sau lũ, trong khi đó nước rút để lại rác thải trôi dạt vào ven bờ, bốc mùi hôi thối.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo TN&MT tại phố Bảo Linh thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), trong sáng 13/9, nhiều người dân đi sơ tán đã trở về nhà, nhanh chóng bắt tay vào việc cọ rửa sản nhà, đồ đạc. Ai nấy cũng tất bật lau chùi đồ đạc, vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm.
Sau khi nước rút, trong nhà, ngoài ngõ bám đầy phù sa đọng lại. Công việc dọn dẹp được thực hiện khẩn trương. Người dân phường Phúc Tân cho biết từ sáng sớm, có điện và nước là các hộ dân kéo nhau về lau dọn nhà cửa. Một vài đồ đạc chưa kịp đem lên cao, khi trở về đã bám đầy bùn đất.
"Điện mới có lúc 9 giờ sáng nay, lúc đó chúng tôi mới bắt đầu dọn dẹp được. Phải có ánh sáng để nhìn rõ mọi thứ, với lại hôm nay trời cũng nắng nóng, có quạt thì dễ thở hơn", anh Thành, một người dân phường Phúc Tân chia sẻ. "May mà nhà tôi cũng dọn gần xong rồi, giờ chỉ còn mấy thứ đồ hỏng mang đi vứt thôi."
Các cán bộ y tế phường Phúc Tân đã chủ động rải bột cloramin B tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm sau lũ. Đồng thời, khuyến cáo người dân vệ sinh môi trường ngay khi nước rút, phơi khô quần áo và tránh treo mắc áo quần ẩm ướt để ngăn ngừa muỗi sinh sản.
Theo quan sát của phóng viên, ven sông Hồng (đoạn bờ vở phường Phúc Tân) hiện tại ngập tràn rác thải sinh hoạt, kết hợp với thời tiết nắng nóng gây ra mùi hôi thối khó chịu. Theo người dân địa phương, rác chủ yếu từ đoạn sông phía trên chợ Long Biên trôi xuống và bị mắc kẹt vào các cành cây đổ tại đây.
"Nước lũ cuốn theo rác, bùn, chất thải... để lại mùi hôi thối trong nhà. Nay lại thêm rác thải đọng lại ở ven sông khiến cuộc sống của nhiều hộ gia đình quanh đây rất ngột ngạt" - cô Hường chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT về tình trạng vệ sinh môi trường tại đây.
Để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình sau khi lũ rút, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vùng mưa lũ không ăn thức ăn ôi thiu, thực phẩm quá hạn sử dụng, thịt gia súc/gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân. Không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt. Không bơi lội, tắm hay chơi đùa trong nước ngập lụt; sử dụng khăn mặt, quần áo riêng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế địa phương cung cấp đầy đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết; tăng cường hướng dẫn người dân về cách xử lý nước và vệ sinh môi trường, phối hợp với các ban ngành hỗ trợ người dân vệ sinh cá nhân, nhà cửa và môi trường xung quanh ngay sau khi nước lũ rút.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, lúc 1h ngày 13/9, mực nước thực đo sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội (quận Long Biên) ở mức 10,39m (mực nước báo động lũ cấp II là 10,5m); tại Trạm Thủy văn Sơn Tây ở mức 12,23m (mực nước báo động lũ cấp I là 12,4m).
Căn cứ mực nước thực đo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh rút báo động lũ cấp II trên sông Hồng vào hồi 1h ngày 13/9 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Một số hình ảnh dọn dẹp vệ sinh của người dân sau khi nước rút: