Quản lý chất thải rắn

Phù Yên (Sơn La): Tăng cường hướng dẫn phân loại, xử lý CTRSH tại nguồn

Nguyễn Nga 28/11/2023 - 17:32

(TN&MT) - Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã nỗ lực đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn. Phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ nhân dân.

Theo thống kê từ Phòng TN&MT huyện, hiện nay, các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện chủ yếu đến từ các hộ gia đình; khu thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ…); công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, bệnh viện…); khu công cộng (bến xe, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố…); dịch vụ vệ sinh (quét đường, cắt tỉa cây xanh…); hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh…

img_3263.jpeg
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phù Yên đã triển khai mô hình Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải nhựa.

Căn cứ vào thành phần, có thể phân loại thành các nhóm: Nhóm chất thải rắn tái chế, tái sử dụng gồm giấy, nhựa, kim loại các loại; Nhóm chất thải rắn nguy hại gồm các thành phần pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện hỏng, chai lọ đựng hóa chất…; Nhóm chất thải rắn còn lại từ sinh hoạt trong gia đình, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác…

Triển khai thực hiện phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, UBND huyện đã thường xuyên chỉ đạo các phòng ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, thu gom, xử lý rác thải phù hợp với điều kiện nông thôn trên địa bàn theo các nội dung được Sở Tài nguyên và Môi trường biên soạn trong các cuốn sổ tay: Hướng dẫn phân loại, thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn; Hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Hướng dẫn một số chỉ tiêu thuộc tiêu chí số 15 bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, một số chỉ tiêu thuộc bộ tiêu chí bản nông thôn mới, bản nông thôn kiểu mẫu, bản nông thôn mới các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới; Hướng dẫn số 188/HD-STNMT ngày 21/7/2022 triển khai một số nội dung về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn; chủ động lồng ghép vào các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

z4922125821735_7609ac690888c2ffb7be35b1697c618a.jpg
Người dân Phù Yên đã quan tâm thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ông Cầm Văn Dương, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Yên cho biết: Trong năm 2023, huyện Phù Yên đã xây dựng kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại thị trấn Phù Yên và 3 xã Quang Huy, Huy Bắc, Huy Hạ. Phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại đô thị đạt 93%; tỷ lệ thu gom tại nông thôn đạt 88%.

Đồng thời, chú trọng thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ, lẻ như chợ, cửa hành kinh doanh, dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện đã phát động phong trào bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong cán bộ, hội viên, phụ nữ năm 2023. Hội liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn xây dựng mỗi xã 1 mô hình bảo vệ môi trường, chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn gặp một số khó khăn. Hiện nay, hầu hết các xã khu vực vùng cao chưa triển khai dịch vụ thu gom rác thải, mà hộ gia đình chủ yếu tự xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp tại chỗ, dẫn đến tỷ lệ rác được thu gom, xử lý thấp, còn tình trạng vứt rác bừa bãi tại các khu vực công cộng gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, dù công tác tuyên truyền đã được quan tâm đẩy mạnh, song tại một số nơi, một bộ phận người dân vẫn chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, đâu là chất thải rắn sinh hoạt, đâu là chất thải rắn nguy hại, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải.

Xác định rõ những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chung tay hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa, tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu rác thải nhựa. Hướng dẫn người dân kỹ thuật, cách thức phân loại rác tại nguồn. Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn đã triển khai hiệu quả...

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn được thu gom đạt 90% số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và được vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trên cơ sở tối đa hoá khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù Yên (Sơn La): Tăng cường hướng dẫn phân loại, xử lý CTRSH tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO