Tổng diện dích gieo sạ lúa vụ Đông Xuân năm 2019-2020 trên toàn tỉnh Phú Yên là 26.346,9 ha, đạt 99,20% so với kế hoạch. Theo dự báo ngành Khí tượng – Thủy văn diễn biến thời tiết trong mùa khô năm 2020 sẽ tiếp tục ít mưa và lượng mưa trong tỉnh phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Diện tích có khả năng xảy ra hạn ảnh hưởng đến năng suất khoảng 3.500 ha. Nhận định có khả năng thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân và phải triển khai các phương án chống hạn.
Diện tích lúa có khả năng bị thiếu nước tưới, hạn khoảng 10.000 ha |
Vụ Hè Thu năm 2020, dự kiến gieo trồng 23.800 ha lúa so với kế hoạch là 24.800 ha. Diện tích dự kiến phải chuyển đổi cây trồng, từ đất lúa sang cây trồng cạn khác khoảng 787,7ha (dự kiến các huyện: Tây Hòa 64,6 ha; Tuy An 46 ha; thị xã Sông Cầu 90 ha; Đông Hòa 359,1 ha; Phú Hòa 177,5 ha; Sơn Hòa 08 ha; Sông Hinh 25 ha; thành phố Tuy Hòa 62,5 ha).
Diện tích lúa có khả năng bị thiếu nước tưới, hạn khoảng 10.000 ha, trong đó diện tích phải bơm tưới vượt định mức 3.500 ha; diện tích tưới có khả năng hạn phải bơm tát 6.500 ha. Diện tích cây trồng cạn có khả năng bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, mất năng suất 8.000 – 10.000 ha.
Nhằm chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp phòng, chống nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra trong năm 2020, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tập trung thực hiện lên phương án chống hạn, xâm nhập mặn chi tiết cụ thể trên từng vùng, khu vực địa bàn, củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống hạn năm 2020 để theo dõi, chỉ đạo thực hiện kịp thời các biện pháp chống hạn hiệu quả.
Hệ thống kênh thủy nông Đồng Cam phục vụ nước tưới tiêu cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế giao trách nhiệm cho Sở NN-PTNT thường xuyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo chuyên ngành, kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch, phương án giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động làm việc với các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước cho sản xuất khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến nguồn nước, phối hợp các Sở ngành và địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước và hướng dẫn các địa phương khai thác nguồn nước hợp lý khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
Sở Công thương rà soát và đề nghị danh sách ưu tiên cấp điện, nếu ngành điện điều tiết giảm điện nhằm đảm bảo đủ điện cho các trạm bơm điện hoạt động thường xuyên để bơm tưới nước chống hạn kịp thời. Chỉ đạo các đơn vị quản lý các hồ thủy điện có kế hoạch xả nước từ các hồ chứa nước thủy điện để hỗ trợ nguồn nước chống hạn trong trường hợp vùng hạ lưu yêu cầu bổ sung nguồn nước tối thiểu cấp nước sinh hoạt, sản xuất.
Sở Tài chính phối hợp Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh cấp hỗ trợ kinh phí chống hạn cho các địa phương, đơn vị; đồng thời kiểm tra, thẩm định hồ sơ quyết toán kinh phí chống hạn cho các địa phương, đơn vị, làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng tại Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa |
Các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các công trình hệ thống kênh mương, cống lấy nước, trạm bơm tưới. Công ty điện lực Phú Yên có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và dân sinh, trong đó ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ công tác chống hạn.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng, ban, các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết để chủ động triển khai thực hiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, thẩm định hồ sơ quyết toán chống hạn, xâm nhập mặn năm 2020.