(TN&MT) - Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu diễn ra trong tháng 9/2014 tại New York (Mỹ), Phó tổng thư ký LHQ, Tổng Giám đốc Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Phumzile Mlambo-Ngcuka cho rằng phụ nữ phải có vai trò lãnh đạo lớn hơn trong cuộc chiến đối phó với biến đổi khí hậu. Bởi theo bà Mlambo-Ngcuka, phụ nữ toàn cầu chính là những người đang phải gánh chịu phần hậu quả nặng nề nhất của tình trạng này.
Nhất trí quan điểm trên, nữ Tổng thống Chile Michelle Bachelet trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị cũng cho rằng bình đẳng giới và biến đổi khí hậu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bà cho rằng, phụ nữ là đối tượng chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.
Theo LHQ, phụ nữ gắn bó với sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực phải đối mặt với các rủi ro của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt… nhiều hơn nam giới. Điều đó cũng có nghĩa là công việc mà phụ nữ đảm nhận thường phải chịu ảnh hưởng nặng nề và phụ nữ cũng là đối tượng phục hồi kém khi xảy ra thảm họa vì họ ít có khả năng thay đổi công việc.
Phụ nữ gắn bó với sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực phải đối mặt với các rủi ro của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt…
Nữ Tổng thống Bachelet đã lưu ý các nhà lãnh đạo toàn thế giới, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên như hạn hán hay lũ lụt. Họ rất dễ bị tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực thu hút tới 43% lực lượng lao động toàn thế giới và trong số đó có tới 65% là phụ nữ.
Tổng thống Bachelet cho rằng đã đến lúc thế giới và các quốc gia cần tích cực nâng cao năng lực, vai trò và vị thế lãnh đạo của phụ nữ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế phụ nữ đang chiếm tới 40% tổng số ứng cử viên vào các cơ quan lãnh đạo chính trị tại Chile, bà Bachelet nhấn mạnh, sự lãnh đạo của phụ nữ phải được thể hiện ở các cơ quan quyền lực chính trị cao nhất và điều đó sẽ giúp cho việc chống biến đổi khí hậu hiệu quả và tích cực hơn.
PV