Người dân ở xóm Gò Quy, thôn An Đức, xã Cát Trinh, bức xúc phản ánh cả ngàn mét vuông đất ở lòng đê Gò Lô bị “tùng xẻo” bất hợp pháp. Bà con ở đây tuy đã phản ánh tới chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nhưng chưa được giải quyết kịp thời. PV đã tìm về khu vực khai thác để ghi nhận tình hình. Tại đây, chúng tôi thấy khu vực bị khai thác có diện tích hơn 1.500m2 với khối lượng đất đã vận chuyển đưa đi tiêu thụ khoảng 300 - 400m3.
Thời điểm PV có mặt, hoạt động khai thác tuy tạm ngưng, nhưng dấu vết khai thác ở hiện trường là rất mới. Lòng đê Gò Lô gần như tan hoang với nhiều hố sâu từ 1 - 2m. Mở rộng khu vực “thị sát”, chúng tôi thấy có một máy đào tập kết cách hiện trường khai thác khoảng 150m. Người dân ở thôn An Đức, cho biết phương tiện xe cơ giới như xe ben, xe đào thường khai thác đất tại lòng đê Gò Lô vào ban đêm. Toàn bộ đất sau khi được khai thác được vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Xe ben chở đất trong quá trình vận chuyển còn để rơi vãi xuống đường, phát sinh bụi bẩn gây ảnh hưởng đến môi trường không khí. Đáng chú ý, gần 2 tiếng thâm nhập, “thị sát” thực tế ở hiện trường, PV liên tục bị 2 đối tượng lạ mặt theo sát, dò la và cảnh giới. Sau khi tìm hiểu thông tin, chụp ảnh xong ở hiện trường, chúng tôi chủ động rút lui và liên hệ làm việc với chính quyền sở tại.
Trao đổi với PV về việc này, ông Nguyễn Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Cát Trinh (huyện Phù Cát), cho biết đê Gò Lô sau thời gian đưa vào sử dụng đến nay đã bị đất, cát bồi lấp, giảm khả năng tích nước. Hiện nay, lòng đê chỉ tích đủ nước để cung cấp nước tưới cho khoảng 10 ha đất sản xuất nông nghiệp ở các cánh đồng ở thôn An Đức. Đến thời điểm này, nước trong lòng đê đã cạn kiệt. Cách đây 2 tháng, người dân trồng hoa màu ở xóm Gò Quỳ có thuê một cá nhân để đưa xe đào tới đào ao lấy nước tưới. Trong quá trình đào ao, cá nhân này có lén lút vận chuyển đất đi nơi khác. Nhận được thông tin, xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra, mời cá nhân này lên làm việc và nhắc nhở ngừng hoạt động này.
Ông Nguyễn Ngọc Phước, cũng xác nhận người mà xã mời lên làm việc là ông Huỳnh Văn Nghệ người ở địa phương. Sau khi nhắc nhở, ông này đã tạm ngưng. Tuy nhiên, sau khi PV cung cấp một số hình ảnh hiện trường khai thác xảy ra vào đầu tháng 7/2019, ông Phước đã tiếp nhận thông tin, đồng thời ông khẳng định sẽ cho kiểm tra, chấn chỉnh. “Người dân ở thôn An Đức có làm đơn gởi xã đề đạt nguyện vọng địa phương sớm có phương án nạo vét lòng đê Gò Lô để tích nước, phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trình tự thủ tục, chủ trương nạo vét xã phải xin ý kiến chỉ đạo từ UBND huyện, song công tác này chưa được xã triển khai kịp thời, trong khi nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu ở địa phương khá cấp bách. Do đó, tôi không loại trừ khả năng người dân ở xóm Gò Quy đứng ra thuê người để nạo vét lòng đê”, ông Phước nói.
Trong khi đó, PV tìm hiểu thì người đứng ra huy động phương tiện cơ giới để lấy đất và vận chuyển đất đi tiêu thụ tại lòng đê Gò Lô là ông Huỳnh Văn Nghệ. Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, khẳng định việc nạo vét lòng đê Gò Lô để tích nước là cần thiết, tuy nhiên việc khai thác, vận chuyển đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là sai quy định.
Ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng Phòng TN&MT huyện Phù Cát, cho biết sẽ cử cán bộ phối hợp với UBND xã Cát Trinh kiểm tra hiện trường và sẽ lập biên bản xử lý vi phạm nếu phát hiện có sai phạm.
Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, khẳng định: “Quan điểm của huyện là không bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở địa phương. Cá nhân, tập thể nào để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm. Huyện chỉ đạo Phòng TN&MT huyện khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh. Ai sai đến đâu, xử lý đến đó. Trước mắt, Phòng TN&MT huyện phối hợp ngay với UBND xã Cát Trinh kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý của xã thì báo cáo UBND huyện xem xét, xử lý”, ông Kiên nói.