Phòng, chống thiên tai: Triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộngXây dựng xã hội an toàn trước thiên tai
(TN&MT) - Thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững.
Những kết quả tích cực trong công tác phòng ngừa thiên tai
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong năm 2022, công tác phòng ngừa thiên tai đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Theo đó, đã hoàn thiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều,…
Về công tác dự báo, cảnh báo, trong năm qua, đã thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn (KTTV), cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các địa phương tổ chức lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó, tổng số trạm chuyên dùng đến tháng 3/2023 là 2.466 trạm.
Về chiến lược, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai, đến tháng 3/2023, đã có 57/63 tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025; 60/63 tỉnh, thành phố đã ban hành phương án ứng phó thiên tai.
Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của công trình hạ tầng, nhà ở an toàn và các hoạt động phòng ngừa vùng thường xuyên xảy ra thiên tai đã được nâng cao. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí tăng kinh phí nâng cấp, sửa chữa, nhất là đối với hệ thống đê điều, hồ đập, góp phần đảm bảo an toàn cho 242 vị trí trọng điểm đê, kè từ cấp III đến cấp đặc biệt và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố. Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2022, đã bố trí 3.268 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư công trình phòng, chống thiên tai; tổ chức thu Quỹ PCTT lũy kế đạt 5.231 tỷ đồng và chi 3.284 tỷ đồng cho các hoạt động PCTT.
Năm 2022, công tác thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực PCTT cộng đồng tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Nổi bật với hàng loạt các cuộc thi, chiến dịch được tổ chức thành công như: Giải báo chí toàn quốc về PCTT lần thứ 2 thu hút gần 1.000 tác phẩm dự thi của 5 thể loại báo chí; chuỗi hoạt động thi vẽ tranh, rung chuông vàng, lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ Quốc gia PCTT tại Sóc Trăng “Cùng em phòng chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”; chiến dịch “Cùng nhau hành động sớm - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em”…
Đáng chú ý, năm 2022, lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở tiếp tục được tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động. Tính đến cuối năm 2022, đã có 99% số xã, phường trên cả nước thành lập đội xung kích PCTT với tổng số thành viên trên 774.000 người, phát huy và đóng vai trò rất lớn trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là thiệt hại về người…
Ngành TN&MT chủ động ứng phó với thiên tai
Theo GS.TS. Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT), để phục vụ tốt công tác PCTT và phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2023, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục KTTV theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn,... phục vụ hiệu quả công tác PCTT.
Đặc biệt, Tổng cục KTTV thực hiện giám sát dự báo chính xác xu thế hiện tượng El Nino. Từ tháng 5/2023, Tổng cục đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT nhận định sớm về khả năng tác động của El Nino đến nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới để các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời thực hiện tăng cường các bản tin chuyên đề dự báo nguồn nước phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện.
Cùng với đó, Tổng cục KTTV tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo, hoàn thiện công cụ, hệ thống dự báo, tăng cường chất lượng dự báo KTTV nói chung, thiên tai KTTV nói riêng và đặc biệt là dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Tổng cục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch: Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.
Tổng cục cũng duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo KTTV mới tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube...