Anh Cà Văn Biên, ở bản Hua Nặm, xã Nặm Păm, Mường La, Sơn La với vai trò là người chỉ huy đội xung kích địa phương, trong đêm lũ về đã khẩn trương gọi bà con trong bản dậy đi sơ tán an toàn bằng tiếng loa của mình, sau đó, anh đã truyền cảm hứng lạc quan cho bà con trong bản về việc tái thiết cuộc sống, chỉ cần còn người là còn cuộc đời phía trước.
Tinh thần ấy của anh Cà Văn Biên đã cùng cộng hưởng sức mạnh với hàng ngàn ý chí quyết tâm khác của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trên toàn quốc. Sau khi có Luật Phòng chống thiên tai (PCTT), lực lượng này đã từng bước được pháp lý hóa, với thành phần trước đây chủ yếu là dân quân tự vệ, Nghị định 160 và đặc biệt là Nghị quyết 76 của Chính phủ, trong đó, có sự bổ sung nhiều thành phần khác, với mục tiêu đến hết năm 2020 tất cả các xã phải hoàn thành việc tổ chức, xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT.
Phát huy vai trò lực lượng xung kích phòng chống thiên tai |
Đội xung kích làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã (Công an; Dân phòng; Chữ thập đỏ; Đoàn Thanh niên; Hội Cựu chiến binh; Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; một số công chức chuyên môn ở xã như: Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế…).
Ngoài các nhiệm vụ chung, lực lượng xung kích tại các các vùng, khu vực còn có các nhiệm vụ đặc thù khác nhau phù hợp với đặc điểm, tình hình thiên tai trên địa bàn. Điều này thể hiện rõ tính chất cần thiết, phù hợp với mọi loại hình thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp và sự chủ động nắm bắt giải quyết được cụ thể hóa từ chính lực lượng xung kích cấp cơ sở.
Thời gian qua, một tín hiệu đáng mừng là với sự chỉ đạo cụ thể chi tiết từ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có nhiều đợt tập huấn diễn ra trên cả nước, với sự tiếp thu nghiêm túc từ các thành phần tham gia, mang lại những kiến thức vô cùng quý báu cho các thành viên đội xung kích trên Toàn quốc.
Không chỉ dừng lại ở nội dung tập huấn, một số địa phương trên cả nước lực lượng xung kích liên tục có những hoạt động thực tế để tập luyện trong công tác phòng chống thiên tai đặc thù tại địa phương mình.
Thôn Thái Thường Tây nằm sát bên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thường xuyên bị nước tràn ngập gây sập nhà, mất người mất của, nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước; đến nay, thiệt hại đã giảm hẳn. Có được điều đó là nhờ các cuộc diễn tập của đội nữ xung kích thôn nâng cao kỹ năng bơi, kỹ năng chạy, kỹ năng sơ cấp cứu, bê vác, chủ động đến từng nhà để hướng dẫn người dân.
Còn với các cán bộ đội xung kích ở xã Vinh Hải, Thừa Thiên - Huế, thành phần chủ yếu là các bạn trẻ vùng biển, phơi phới tuổi xuân khát khao được cống hiến sức lực cho cộng đồng qua những việc làm thiết thực.
Những điều tưởng chừng giản đơn, khi thiên tai thực sự xảy ra sẽ thành vô cùng khó khăn. Bởi thế, ý thức tập huấn và rèn luyện thường xuyên các kỹ năng ứng phó với thiên tai cũng như cứu hộ, cứu nạn được các cán bộ nơi đây thẩm thấu qua các hoạt động thường ngày của mình, như tiếp thêm sức mạnh cho hành trình ngăn ngừa hiểm họa thiên tai.
Mặc dù vậy, lực lượng xung kích PCTT hiện còn thiếu sự thống nhất về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị làm việc và cơ chế, chính sách nên gặp khó khăn khi triển khai nhiệm vụ; một số quy định đã rõ ràng nhưng do điều kiện khách quan không phải lúc nào cũng được đảm bảo đầy đủ. Đặc biệt, cơ chế chính sách khi đưa vào thực tế gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, đặc thù của từng địa phương, bởi vậy, nhiều nơi hoạt động còn mang nặng tính hình thức. Đây là một thách thức lớn cần sự tâm huyết nhiệt thành của những người làm công tác phòng chống thiên tai từ Trung ương tới địa phương, chung tay giải quyết. Tới đây, cần tiếp tục kiện toàn Đội Xung kích PCTT cấp xã trên cả nước, đặc biệt là các địa phương hay xảy ra thiên tai trong mùa mưa, lũ.
9 nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai
Tham gia xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch PCTT, phương án ứng phó thiên tai của xã; Tập huấn, diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Tham gia tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm của Nhân dân trong PCTT; Theo dõi diễn biến thiên tai; báo cáo kịp thời với Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai xã) và thông báo đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn bằng các biện pháp phù hợp; Kiểm tra, phát hiện những nơi có nguy cơ mất an toàn, chủ động xử lý và kịp thời thông tin đến người dân; Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu; Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn để xử lý khi có các hành vi vi phạm pháp luật về PCTT; Quản lý, sử dụng đúng mục đích các trang thiết bị phục vụ công tác PCTT; Thực hiện các nhiệm vụ PCTT khác theo sự điều động, phân công của Trưởng BCH xã.
Lực lượng xung kích PCTT được hình thành từ dân, cùng với dân, bám dân, giúp dân xử lý PCTT từ chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, giúp dân khắc phục hậu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai. Đầu tư cho lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã không lớn nhưng hiệu quả thì rất là thiết thực, đây chính là thực hiện PCTT theo phương châm “bốn tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ - Lực lượng tại chỗ - Phương tiện vật tư tại chỗ – Hậu cần tại chỗ.
Những ánh dương từ cơ sở được lan tỏa và cộng hưởng nguồn năng lượng sẽ góp phần mang lại một diện mạo mới cho đất nước Việt Nam - quốc gia có truyền thống vượt khó kiến tạo nên giá trị nhân văn còn mãi với thời gian.