Phòng chống Covid-19 tại các tỉnh phía Nam: Tạo đà cho những hy vọng mới

Trí Việt| 02/08/2021 18:44

(TN&MT) - Những chỉ đạo sâu sát và sự quan tâm động viên của Thủ tướng đã kịp thời chấn chỉnh những xáo trộn, tạo niềm tin cho nhân dân, động viên các địa phương và lực lượng tuyến đầu quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch, tạo đà cho những hy vọng mới trong phòng chống Covid-19 tại các tỉnh phía Nam

Thủ tướng Chính phủ động viên y - bác sỹ và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: chinhphu.vn

Sau hai tuần thực hiện giãn cách theo Công văn số 969/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực, biểu đồ dịch hiện đã bắt đầu đi ngang, trong 2 ngày 31/7 và 1/8, TP.HCM chưa phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số tỉnh phía Nam vẫn đứng trước nguy cơ cao, đặc biệt hiện tượng lực lượng lao động tự do di cư về quê đã gây nhiều xáo trộn và tiềm ẩn những nguồn lây.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện khẩn chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đặc biệt chấn chỉnh ngay hiện tượng các tỉnh, thành phố trong việc kiểm soát và chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19.

Theo Công điện, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu thực hiện nghiêm việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ trên tinh thần nhất quán phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương.

Đặc biệt, nhằm ngăn chặn tình trạng người dân lao động tự do trở về quê bằng các phương tiện cá nhân gây tình trạng đảo lộn trật tự, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và gây ra những hệ lụy mất an toàn trên đường di chuyển, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Lực hượng chống dịch cơ động tỏa đi khắp các phố phường tại TP.HCM. Ảnh: hcdc.vn

Trường hợp người dân đã rời khỏi địa phương và xuất phát đến địa bàn khác thì các địa phương liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn; tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy); thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho dân, vừa hạn chế dịch bệnh lây lan.

Các tỉnh, thành đồng thời phải nỗ lực tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách, các địa phương cần phải thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Tuy nhiên, đối với khu vực liên tỉnh, phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.

Với quyết tâm thu hẹp vùng đỏ, mở luồng xanh, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải giữ vững thành quả chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn, đồng thời phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho TP.HCM và các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

Trang thiết bị y tế được tăng cường cho công tác chống dịch

Công điện của Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn. Yêu cầu các địa phương tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Một trong những nội dung quan trọng để sớm ngăn chặn dịch và giữ chân người lao động tự do ở yên đó là việc tổ chức tiêm vắc-xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan thúc đẩy quy trình rút gọn về hành chính việc sản xuất, cung ứng vắc-xin và thuốc phục vụ phòng, chống dịch; quan tâm đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu; tăng cường huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; nâng cao chất lượng, số lượng bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên; sẵn sàng chi viện cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp.

Trong một chỉ đạo khác, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có số ca lây nhiễm cao và nhiều ca bệnh nặng.

Cùng với Công điện khẩn chỉ đạo phòng, chống dịch, ngày 2/8/2021, Thủ tướng đã gửi thư động viên, bày tỏ trân trọng, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng động viên các lực lượng tuyến đầu “chân cứng đá mềm”, vững ý chí, vững niềm tin để tiếp tục cuộc trường kỳ bằng trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái. Lá thư của Thủ tướng đã gửi theo mệnh lệnh và niềm tin chiến thắng, khơi dậy quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn đối với lực lượng tuyến đầu.

Những chỉ đạo sâu sát và sự quan tâm động viên của Thủ tướng đã kịp thời chấn chỉnh những xáo trộn, tạo niềm tin cho nhân dân, động viên các địa phương và lực lượng tuyến đầu quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch, tạo đà cho những hy vọng mới trong phòng chống Covid-19 tại các tỉnh phía Nam.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống Covid-19 tại các tỉnh phía Nam: Tạo đà cho những hy vọng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO