Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp về đề án thí diểm tự chủ Bệnh viện K. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Các ý kiến tại cuộc họp nhấn mạnh, về bản chất, cơ chế tự chủ tại các bệnh viện đã được thực hiện từ nhiều năm trước theo quy định của Nghị định 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006, về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP, các bệnh viện gặp rất nhiều vướng mắc, bị động, nhất là trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế,… những việc này thường chậm trễ do phải xin ý kiến của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, trong công tác tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP cũng gặp nhiều bất cập do việc phân cấp chưa hợp lý.
Mặt khác, việc thực hiện tự chủ về thu - chi tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP cũng nổi lên một số bất cập như: Sức ép thu hút bệnh nhân, tỷ lệ số giường điều trị theo yêu cầu cao hơn quy định; tình trạng lạm dụng xét nghiệm; các nguồn thu không được công khai, minh bạch… dẫn đến ngay trong một bệnh viện thu nhập giữa các khoa, phòng, bộ phận cũng khác nhau. Nhiều bệnh viện chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời việc minh bạch hóa thông tin để phục vụ công tác giám định bảo hiểm y tế theo yêu cầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Để khắc phục những bất cập trong thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP, đồng thời triển khai các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 20-NQ-TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 19/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ đối với 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế (gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy).
Các đại biểu nhấn mạnh việc thực hiện tự chủ bệnh viện là chủ trương lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, do chưa làm đồng loạt được nên trước mắt thực hiện thí điểm tại 4 bệnh viện Trung ương. Việc thực hiện thí điểm tự chủ hướng tới các điểm mới cơ bản sau:
Trước hết, về công tác tổ chức, cán bộ, bên cạnh Ban Giám đốc (thực hiện nhiệm vụ điều hành hành chính, chuyên môn) các bệnh viện tự chủ sẽ có Hội đồng quản lý hoạt động theo cơ chế tập thể và Ban Kiểm soát.
Mặt khác, các bệnh viện tự chủ sẽ thực hiện quản trị theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn diện hoạt động của bệnh viện, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và để xã hội giám sát. Việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng phải bảo đảm tăng thu nhập, phát huy năng lực sáng tạo của các y bác sĩ, nhân viên y tế; tăng tỷ lệ trích lập các quỹ phát triển, quỹ hỗ trợ bệnh nhân;...
Tập thể lãnh đạo Bệnh viện K cho biết việc thực hiện đề án thí điểm tự chủ toàn diện, tự chịu trách nhiệm, bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải thì quan trọng hơn là để quản lý tốt hơn hoạt động tự chủ hiện nay của đơn vị, đặc biệt là vấn đề minh bạch. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng lãnh đạo Bệnh viện K khẳng định quyết tâm thực hiện cho được đề án thí điểm tự chủ, trở thành mô hình để nhân rộng ra cả nước.
Lãnh đạo Bệnh viện K khẳng định quyết tâm thực hiện cho được đề án thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. |
Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã báo cáo về kết quả triển khai ban đầu của đề án thí điểm tự chủ. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tiến độ triển khai đề án tại Bệnh viện Bạch Mai có phần chậm nhưng bước đầu đã tạo lên sự thay đổi lớn. Trước hết tất cả hoạt động thu-chi, tỷ lệ giường điều trị theo yêu cầu trong các khoa, phòng của bệnh viện đã được công khai, minh bạch đến tất cả cán bộ, nhân viên. Đề án thí điểm tự chủ vừa giao quyền nhưng cũng là trách nhiệm của bệnh viện trong việc tổ chức, tối ưu hóa hoạt động của các khoa, phòng chuyên môn, phát huy tốt hơn nguồn lực hiện có.
“Sự thay đổi này đòi hỏi nỗ lực, chung tay của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên bệnh viện nhưng mọi người đều thấy đây là hướng đổi mới rất cần thiết”, TS. Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Tham dự cuộc họp, qua các ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết những nội dung tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP đã được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện từ trước. Ông Hiếu cũng mong muốn việc thực hiện tự chủ được triển khai sớm trong toàn hệ thống y tế công lập, vừa khuyến khích được sự sáng tạo chuyên môn của các y, bác sĩ nhưng đảm bảo quyền ợi cho người dân trên tinh thần tất cả công khai, minh bạch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cơ chế tự chủ bệnh viện đã được thực hiện từ Nghị định 43/2006/NQ-CP và được khẳng định lại trong Nghị quyết 19, 20/NQ-TW, Nghị quyết 33/NQ-CP nhằm mục đích để các bệnh viện khắc phục tình trạng chạy theo doanh thu, không minh bạch trong thu-chi tài chính dẫn đến lạm dụng các kỹ thuật…. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo hướng tự chủ toàn diện, tự chịu trách nhiệm để giải quyết những vấn đề này. Chính phủ đã có Nghị quyết 33/NQ-CP. Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế phải gương mẫu thực hiện trước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bệnh viện K tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án thí điểm tự chủ, bảo đảm thực hiện theo đúng Nghị quyết 33/NQ-CP, đặc biệt là những vấn đề đã được nêu trong cuộc họp.