Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát hạ tầng giao thông ĐBSCL

22/06/2017 00:00

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã dành trọn ngày 22/6 đi thị sát, kiểm tra các công trình kết cấu hạ tầng giao thông...

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã dành trọn ngày 22/6 đi thị sát, kiểm tra các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Địa điểm đầu tiên mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới thị sát là vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi, điểm đầu cầu bên phía Sóc Trăng tại ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú. Cũng tại đây, Phó Thủ tướng đã tới thăm Bến phà Đại Ngãi. Bến phà này sẽ chấm dứt sứ mệnh của mình khi cầu Đại Ngãi được xây dựng và đi vào sử dụng.  

Dự án cầu Đại Ngãi-QL 60 là công trình vượt sông Hậu nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, nằm phía hạ lưu Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, cách phà Đại Ngãi hiện tại 7,8 km về hạ lưu. Dự án được thiết kết với chiều dài tuyến khoảng 15,2 km, bao gồm 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2; 5 cầu trung và nhỏ; đường dẫn vào cầu. Trong đó, điểm nhấn chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24 km dạng cầu dây văng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 8.300 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình cầu dây văng vượt sông lớn thứ hai (sau cầu Cần Thơ) tại khu vực ĐBSCL.

Việc đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ khai thông toàn tuyến QL60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TPHCM. Đây là công trình có tác động rất lớn trong việc rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh và mở rộng giao thông, tăng tính linh hoạt trong vận tải và lưu thông hàng hóa.

Sau khi công trình được đầu tư, xây dựng sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của các địa phương trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh duyên hải như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, tạo tiền đề thúc đẩy giao thương thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ và TPHCM.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát Bến phà Đại Ngãi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát Bến phà Đại Ngãi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tiếp theo chương trình làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi thị sát, kiểm tra dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp. Đây là tuyến đường qua địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chạy song song tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp với chiều dài toàn tuyến là 122,33 km, quy mô đầu tư đường cấp IV đồng bằng. Điểm khởi đầu tại thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) và điểm cuối là thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Khi hoàn thành, tuyến đường này giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 1A ở vùng và rút ngắn được hơn 40 km từ Cần Thơ đi Cà Mau. 

Cùng với kiểm tra dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án dài hơn 51km, có điểm đầu tại Km02+104.11 – điểm kết thúc của dự án cầu Vàm Cống, thuộc địa bàn quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), điểm cuối tại Km53+279 thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang). Theo thiết kế, đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, có 2 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, phù hợp với đường cao tốc loại A. Đây là tuyến đường quan trọng có chức năng kết nối giữa TPHCM và các tỉnh khác của Tứ giác Long Xuyên. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra dự án cầu Vàm Cống. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra dự án cầu Vàm Cống. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Sau khi kiểm tra 2 tuyến quốc lộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã đi kiểm tra dự án cầu Vàm Cống và dự án cầu Cao Lãnh.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Cầu được thiết kế dạng dây văng có chiều dài 2,97 km, trong đó nhịp chính dài 870 m, hai cầu dẫn phía Đồng Tháp và Cần Thơ mỗi bên dài khoảng 1 km. Tổng chiều dài toàn tuyến 5,75 km. Bề rộng mặt cầu 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu và sẽ thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 9/2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Dự án cầu Cao Lãnh là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu sông Tiền và cách cầu Mỹ Thuận 35 km về phía thượng lưu sông. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 10/2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Vàm Cống là hai cây cầu trọng điểm nằm trong Dự án giao thông kết nối trung tâm ĐBSCL.

Theo thiết kế, cầu có chiều dài 2.015 m, rộng 24,5 m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, với chiều cao trụ tháp bê tông cao 123 m và nhịp chính dài 350 m, vận tốc cho phép 80 km/h. 

Tổng vốn đầu tư của dự án cầu Cao Lãnh hơn 3.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe báo cáo về dự án tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe báo cáo về dự án tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Làm việc với Ban Quản lý dự án cầu Vàm Cống và các nhà thầu trong nước, quốc tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án cầu Vàm Cống là những công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các địa phương và các đơn vị hữu quan tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các công việc, trên tinh thần bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ. 

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần hết sức chú ý tới công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động; làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người dân bị giải tỏa đất để thực hiện các dự án.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng rà soát quy hoạch, có kế hoạch khai thác sử dụng hợp lý nguồn cát, phục vụ nhu cầu cho các dự án giao thông, nhưng không làm ảnh hưởng đến các dòng sông, đồng thời bảo đảm vấn đề về môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị hữu quan cũng cần nghiên cứu, tìm các vật liệu thay thế cát nền và cát xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải báo cáo, đề xuất với Chính phủ nhằm bảo đảm cân đối vốn đầu tư, nguồn vốn đối ứng cho các công trình.

Theo chương trình, sáng 23/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ có cuộc làm việc với các Bộ, ngành hữu quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương trong vùng về đầu tư xây dựng cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Theo Chinhphu.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát hạ tầng giao thông ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO