7 nhiệm vụ để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai
Phát biểu ề công tác quản lý đất đai, đặc biệt ở đô thị, các khu vực phát triển kinh tế, khu vực ven biển… Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý đất đai tại các đô thị, tại các khu vực phát triển kinh tế, ven viển đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần từng bước lập lại trật tự trong quản lý sử dụng đất đai, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể, công tác quy hoạch đất đai xây dựng chưa được quan tâm đến các không gian công cộng cho người dân, đặc biệt là những khu du lịch không có chỗ để xuống bãi biển của người dân, thiếu các không gian công cộng, giao thông như nhiều đại biểu đã nói. Trong khi quá nhiều dự án phát triển nhà ở, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort...
Bên cạnh đó, tình trạng giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị dẫn đến nhiều dự án không được triển khai thực hiện, gây lãng phí, thất thoát. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt là tình trạng xây dựng lấn chiếm các không gian công cộng, bãi biển, bờ sông.
Tình trạng mua bán đất và xây dựng trái phép đang diễn ra phức tạp ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn đã được chấn chỉnh nhưng còn nhiều tiềm ẩn, đặc biệt là tình trạng xác định giá trị quyền sử dụng đất, khi chuyển mục đích của các dự án đầu tư phát triển đô thị không sát với giá thị trường trong các dự án nhà ở, dịch vụ, các dự án đầu tư bằng hình thức BT, dự án đất trong các dự án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo chấn chỉnh nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả.
Nhiệm vụ trong thời gian tới thì Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, đồng thời cần triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ như:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý đất đai, quản lý không gian biển, bờ sông, đầu tư phát triển đô thị... Thứ hai, phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đô thị, chú trọng dành quỹ đất cho giao thông. Giao thông tĩnh như bến xe, giao thông động, không gian công cộng, dịch vụ đô thị, không gian công cộng bãi biển cho người dân.
Thứ ba, công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị, dịch vụ để người dân biết tham gia quản lý và giám sát. Thứ tư, kiểm tra chặt chẽ công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư xây dựng phát triển đô thị, phát triển du lịch, xây dựng các công trình nhà ở, dịch vụ theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Thứ năm, rà soát các dự án đã giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục tiêu dự án theo đúng quy hoạch, thu hồi những dự án không có khả năng thực hiện, không có nguồn lực để thực hiện, ngăn chặn tình trạng mua, bán đất trái phép diễn ra phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là kiểm tra lại tất cả các dự án đầu tư ven biển, yêu cầu điều chỉnh lại dự án để dành không gian biển phù hợp với yêu cầu của người dân và đúng quy định của pháp luật, thu hồi, xử lý nghiêm những hành vi lấn chiếm đất đai, bãi biển, bờ sông, như đại biểu Dương Minh Ánh đã phản ánh.
Thứ sáu, công khai, minh bạch cạnh tranh trong việc xác định giá quyền sử dụng đất tại các dự án phát triển đô thị, dịch vụ. Trong đó phải hoàn thiện pháp luật để thực hiện đấu giá đất đối với những vị trí đất gọi là đất vàng ở các địa phương trong tất cả các dự án BOT, dự án chuyển đổi đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa... và thứ bẩy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý đất đai và quản lý đầu tư xây dựng.
Triển khai Nghị quyết 120: mong các vị ĐBQH và đặc biệt là cử tri và nhân dân ĐBSCL vào cuộc
Liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ XXI. Việt Nam là một trong những nước phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu mà trong đó đặc biệt là các địa phương ven biển mà đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu tác động mạnh nhất. Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên để bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để xây dựng các giải pháp ứng phó biển đổi khí hậu là nước biển dâng.
Đặc biệt, cuối năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu và ban hành Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa Nghị quyết 120 vào cuộc sống Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung các nhiệm vụ và giải pháp.
Ở đây trước hết yêu cầu các bộ, ngành cùng các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đã được phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn khác đã và sẽ được Quốc hội thông qua cho các địa phương để ứng phó biến đổi khí hậu nước biển dâng và đầu tư phát triển kinh tế trong tài khóa 2016-2020.
Đồng thời chuẩn bị thực hiện các dự án chống xạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ khẩn cấp 1.500 tỷ như Chủ tịch Quốc hội đã thông báo từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 và dự kiến bố trí 1.000 tỷ từ nguồn dự phòng trung hạn 2016 -2020 cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo chất lượng và hiệu quả chống thất thoát. Đối với các Bộ, Phó Thủ tướng cũng đề nghị:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, quốc tế cho đầu tư và phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng vì cần rất nhiều vốn nhưng nếu chỉ có ngân sách không thì không thể đủ được.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan để xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất liên quan đến các ngành để làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các bộ, ngành Trung ương phối hợp với các địa phương để thực hiện tái cấu trúc các ngành, các lĩnh vực kinh tế liên quan đến ngành, địa phương mình, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng với phương hướng thích ứng là chủ yếu, và cần để nghiên cứu mô hình sản xuất dịch vụ hiệu quả, phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu nước biển dâng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch để phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch toàn vùng làm cơ sở để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện cân đối các nguồn lực theo đúng từng giai đoạn phù hợp với các điều kiện của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…
“Như vậy, để thực hiện Nghị quyết 120 phải từng đó bước, làm hết sức bài bản, khoa học thì chúng ta mới có thể làm, trước hết là chúng ta làm có hiệu quả, bền vững và thực chất. Không phải là nhiệm vụ trước mắt mà là lâu dài, trong thời gian tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong nghị quyết và rất mong các vị đại biểu Quốc hội và đặc biệt là cử tri và nhân dân đồng bằng sông Cửu Long vào cuộc cùng cả nước để chúng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, xin cảm ơn Quốc hội” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.