Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Cùng tạo 'Đồng Khởi mới' phát triển xanh, bền vững

Theo Chinhphu.vn | 02/01/2021 10:27

“Tôi được biết năm nay, đàn sếu đầu đỏ không về Vườn quốc gia Tràm Chim nữa, chúng ta thấy trống vắng”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhắc tới câu chuyện này tại lễ phát động 10 triệu cây xanh tại tỉnh Bến Tre và cho rằng tất cả chúng ta phải cùng suy nghĩ và ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Chúng ta phải cùng suy nghĩ và ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Như tin đã đưa, sáng 2/1, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Quỹ Tấm lòng vàng tổ chức lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh, góp phần thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự buổi lễ.

Triển khai thiết thực, hiệu quả, không nằm trên giấy

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng được tham dự lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh tại “quê hương đồng khởi” Bến Tre anh hùng- một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, trong khí thế toàn đảng, toàn dân, toàn quân phấn khởi thi đua chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chào đón năm mới 2021.

“Cũng thật ý nghĩa khi được trồng cây tại một vùng đất mà cả tên gọi chính thức và danh xưng – Bến Tre và Xứ Dừa – đều gắn với những loài cây”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Bến Tre và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cùng Quỹ Tấm lòng vàng tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức sự kiện rất có ý nghĩa này, đưa Bến Tre trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng, góp phần hiện thực hóa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh cách làm sáng tạo, đổi mới được nêu trong kế hoạch của tỉnh Bến Tre, như vận động mỗi hộ gia đình đăng ký với phường, xã việc trồng và chăm sóc cây xanh; vận động các cơ quan, trường học, bệnh viện… tổ chức cho học sinh, thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên cơ quan trồng và chăm sóc cây, hoa tại trụ sở.

“Tôi mong rằng những cách làm này sẽ được triển khai thiết thực, hiệu quả, không nằm trên giấy, bảo đảm mỗi cây trồng được chăm sóc, phát triển tốt, tránh tính trạng cây trồng xong bị bỏ mặc héo, chết vì không được chăm sóc, vừa lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời gian, công sức của tất cả chúng ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc triển khai chương trình 10 triệu cây xanh cũng rất ý nghĩa với Bến Tre nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và việc trồng cây, gây rừng, phủ xanh tỉnh Bến Tre sẽ là hành động thiết thực trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết.
 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (hàng đầu, thứ nhất từ trái sang) và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) tới dự lễ phát động. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường

Ở tầm nhìn xa hơn, theo Phó Thủ tướng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, như đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020 tại các tỉnh miền Trung.

Đại dịch COVID-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới đời sống con người trên toàn thế giới và nhiều ý kiến đã cho rằng, đây cũng là hệ quả của việc con người tác động tiêu cực nghiêm trọng tới tự nhiên, tới hệ sinh thái trên Trái Đất trong nhiều năm qua.

Báo cáo Triển vọng Môi trường toàn cầu (GEO) mới đây do 250 nhà khoa học từ 70 quốc gia trên thế giới thực hiện trong 6 năm đã chỉ ra rằng, nếu loài người không hành động kịp thời, thì việc chạy theo những lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất trước mắt một cách bất chấp tất cả, môi trường, thiên nhiên tiếp tục bị hủy hoại, bị tàn phá có thể đưa nhân loại tới chỗ diệt vong.

“Do đó, phát triển bền vững càng ngày càng trở thành một nhu cầu cấp thiết với nhân loại. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của cả thế giới và mỗi quốc gia - dân tộc”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã luôn nhất quán quan điểm phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nỗ lực xử lý hài hòa các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh hai trụ cột kinh tế và xã hội, chúng ta phải chú trọng hơn nữa vấn đề môi trường. Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển. Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhưng cùng với đó, chúng ta phải triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn nhiều giải pháp khác, trên cơ sở cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên.

“Một ví dụ, tôi được biết năm nay, đàn sếu đầu đỏ không về Vườn quốc gia Tràm Chim nữa, chúng ta thấy trống vắng và có ý kiến cho rằng, một trong những lý do chính là cây cỏ năng kim – thức ăn chính của sếu - không phát triển được vì hệ sinh thái bị đảo lộn do đất ngập nước quanh năm, không còn giữ được nhịp một mùa khô – một mùa nước như trước đây. Chính vì thế, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã nhấn rất mạnh yêu cầu cần thực sự tôn trọng các quy luật của thiên nhiên. Để có thể bảo vệ thiên nhiên, phục hồi những thương tổn của thiên nhiên, tôi cho rằng tất cả chúng ta phải cùng suy nghĩ và ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta lúc sinh thời luôn “yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa” và lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre hôm nay chính là thực hiện lời dạy của Người “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Thấm nhuần lời dạy của người, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng. Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, điều hoà khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, giữ cho không khí trong lành, làm đẹp thêm cảnh quan. Cây xanh còn mang lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình và xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ủng hộ tỉnh Bến Tre 100 triệu đồng góp phần thực hiện Đề án trồng 10 triệu cây xanh. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ được thực hiện thành công, chương trình sớm “đơm hoa kết trái”, trở thành một điển hình tốt thực hiện hiệu quả sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, lan tỏa tới các địa phương khác trên cả nước. Cùng với đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng, của mỗi người dân, từ đó có những hành động thiết thực, phù hợp để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.

Bến Tre là quê hương của Đồng Khởi thời chống Mỹ, ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để tạo nên một Đồng Khởi mới, đồng khởi phát triển xanh, bền vững, Phó Thủ tướng phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Cùng tạo 'Đồng Khởi mới' phát triển xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO