Kinh tế TP.HCM 2024: Nhiều điểm sáng nổi bật
(TN&MT) - Sáng 26/12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2024, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tăng trưởng tích cực
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho biết, kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực. Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn duy trì ổn định, lưu thông thông suốt.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2024 ước tăng 7,17% so với năm 2023 (gần đạt kế hoạch đề ra, tăng từ 7,5%-8%)... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,3% so với cùng kỳ. Mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển của công nghiệp thành phố.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 21,5%; tổng doanh thu du lịch tăng 18,8%; khách quốc tế đến TP ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 502.000 tỷ đồng, đạt hơn 104% dự toán năm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2024 ước đạt 3.895 nghìn tỷ, tăng 10% so với cuối năm 2023.
Những vấn đề bất cập, những điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Về việc thực hiện chủ đề năm "Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội" của TP.HCM cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, thành phố đã tham mưu trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 84 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số số lĩnh vực cho chính quyền thành phố. Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố. Tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả nhất định; hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1; tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” nhiều công trình giao thông trọng điểm.
Đối với công tác chuyển đổi số, TP.HCM đã ban hành 8 kế hoạch về triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh, triển khai Đề án 06. Nhất là miễn phí 98 thủ tục hành chính khi người dân làm trực tuyến từ nay đến hết năm 2025.
Ở lĩnh vực quản lý đầu tư, thành phố đã bố trí 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.
Tập trung hoàn thành mục tiêu 2025
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Ngọc Hải cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều hoạt động: kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025, TP.HCM xác định chủ đề năm là: Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố.
Thành phố đề ra 31 chỉ tiêu thành phần kinh tế - xã hội trong năm 2025. Đáng chú ý là chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra, UBND TP.HCM đề ra 9 nhóm giải pháp. Trước hết, tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch giai đoạn 2021-2025; chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV...
Đồng thời, tiếp tục triển khai một số đề án, chương trình, dự án trọng tâm, mang tính đột phá, như Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Dự án Vành đai 2; Vành đai 3; Vành đai 4; Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM…
Song song đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh. Ban hành kế hoạch phát triển kinh tế chia sẻ giai đoạn 2025 – 2030. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, thúc đẩy ngoại giao nhân dân; kết nối kiều bào trong và ngoài nước, phát huy nguồn lực kiều hối.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị; các cơ chế chính sách đặc thù thí điểm phát triển Thành phố; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện mô hình, khung khổ pháp lý Chính quyền đô thị sát với thực tiễn phát triển TP.HCM. Xây dựng nền công vụ Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.