Cơn mưa những ngày qua khiến các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn, Cổ Linh - Long Biên, Đông Ngạc, Hoài Đức và nhiều tuyến đường ở Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng nặng trong nhiều giờ, nhiều điểm ngập sâu gây khó khăn cho người và phương tiện di chuyển. Nhiều khu dân cư, bãi để xe ngập sâu, xe máy, ô tô chìm trong biển nước.
Nếu như trước đây, ngập lụt chỉ thường diễn ra ở TP.HCM, Hà Nội thì nay, tình trạng này đã ghé thăm nhiều khu đô thị tại các địa phương khiến mặt trái của quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị thêm một dịp được xới rộng lên.
Như ta đã biết, Luật Quy hoạch đô thị 2020 đã chỉ ra yêu cầu phải vừa cụ thể hóa định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Quốc gia và các quy hoạch vùng liên quan; đồng thời, phải mang tính dự báo khoa học; bảo vệ môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật…
Luật cũng quy định các đối tượng lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm: Giao thông, cao độ nền và thoát nước mặt, cấp nước, thoát nước thải;… cũng như quy định về hội đồng thẩm định, thẩm quyền phê duyệt. Chủ trương của Nhà nước về xu hướng phát triển đô thị xanh, bền vững cũng đã rõ ràng.
Éo le thay, đồ án quy hoạch cứ lập, quy hoạch cứ công bố, lấy ý kiến điều tra, nhưng thực tế, tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị lại không hẳn theo quy hoạch. Và bài toán chống ngập cứ thế loay hoay chưa có đường ra.
Không ai phủ nhận hiệu quả chống ngập của các giải pháp công trình. Mươi năm trở lại đây, nhiều thành phố lấy giải pháp công trình là chính trong giải quyết vấn nạn ngập nước đô thị bằng việc tôn cao cốt nền, dựng đê bao bảo vệ thành phố từ xa, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước, trang bị hệ thống máy bơm công suất lớn,…
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và các tác nhân đã khiến tình trạng ngập ngày càng lan rộng và tăng nặng, làm lung lay ý chí “các công trình chống ngập có sức mạnh sắp xếp lại trật tự thế giới tự nhiên với sự hỗ trợ của khoa học hiện đại, công nghệ - kỹ thuật tiên tiến”. Hơn thế, tôn vinh một chiều quan điểm này đã ít nhiều góp phần làm cho tình trạng ngập đôi khi trầm trọng hơn.
Bởi có những vùng trũng, những thủy vực tự nhiên làm nhiệm vụ là túi chứa nước của đô thị đã bị quy hoạch xâm phạm và thay đổi sứ mệnh; Quy hoạch và phát triển quá dày đặc các dãy nhà hình ống, công trình xây dựng, bê tông hóa mặt đường làm hạn chế cơ hội và tốc độ thoát nước; Nâng trục lộ chống ngập một cách thiếu tính toán đã biến mặt đường thành đê chắn dòng chảy khiến gia tăng mức độ ngập… Trắng, trống không gian ngầm cũng là một khoảng khiếm khuyết còn tồn tại trong quy hoạch đô thị hiện nay trong khi không gian trên mặt đất đã quá ư ngột ngạt. Chưa kể, một số công trình ngầm chưa tương thích với điều kiện khí hậu cũng như quy chuẩn an toàn mùa mưa.
Ngập là một trong số các vấn đề nan giải mà các đô thị phải đương đầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì giải pháp vừa chống đỡ vừa thích nghi theo hướng thuận thiên phải được ưu tiên, nhất là đối với đô thị lớn. Bù lại túi chứa nước của đô thị, mở khoảng thở cho đất, hạn chế bức tử dòng chảy và đừng quên khơi thông ý thức không xả rác ra các công trình chống ngập của cộng đồng dân cư.
Nếu không tích hợp và nhìn nhận lại, e rằng trong tương lai, một số đô thị không cần phải thu hồi xe máy cũ, bởi vào mùa mưa, biết đâu, nhiều gia đình phải giã từ xe máy để… tậu thuyền.