Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Quý Phương: Sửa đổi Luật Đất đai đã góp phần gỡ vướng trong công tác quản lý
(TN&MT) - Sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết, góp phần giải quyết đồng bộ được các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
PV: Xin ông cho biết, tại sao Luật Đất đai cần thiết phải sửa đổi?
Ông Phan Quý Phương: Sau nhiều năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt; chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thế, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, đất đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế.
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, chồng chéo đồng bộ với Luật Đất đai; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Từ những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
PV: Thừa Thiên – Huế kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động đến tỉnh như thế nào?
Ông Phan Quý Phương: Địa phương hi vọng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết đồng bộ được các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, rành mạch, đầy đủ, góp phần khai phá những nguồn lực phát triển, tạo ra môi trường thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận đất đai khi tiến hành các hoạt động xuất kinh doanh có sử dụng đất.
Để thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) hiệu quả hơn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành các chương trình kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp phối hợp, chủ động, nhiều hình thức phong phú để triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần nghị quyết của BCH Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt Nghị quyết số 18-NQ-TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Đồng thời, giao cơ quan chuyên môn chủ trì phối hợp với các bên tiến hành đánh giá thực tiễn việc quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh nêu bật được những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong thời gian qua về các vấn đề như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có một số nội dung chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của nhà nước; thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định, tình trạng “đầu cơ” đất đai vẫn còn diễn ra; cải cách hành chính trong quản lý đất đai đối với một số thủ tục vẫn còn bất cập; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường… dẫn đến hậu quả là nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; số lượng khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế và chưa thật sự thuyết phục một số dự án chưa tìm ra hướng đi cho tổ chức doanh nghiêp vào đầu tư phát triển trên địa bàn.
Từ đó, trên cơ sở ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị địa phương, UBND tỉnh đại diện cho người dân địa phương xây dựng tổng hợp, đưa ra những ý kiến mang tính chuyên sâu, giải quyết vướng mắc tồn tại của chính sách pháp luật đất đai của địa phương, bám sát thực tiễn, phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân với đặc trưng văn hoá, điều kiện kinh tế, tự nhiên của địa phương để nhanh chóng đưa tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương theo như Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
PV: Ông có nhận định gì về vai trò của cơ quan chủ trì, soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi)?
Ông Phan Quý Phương: Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan chủ trì, soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã triển khai thực hiện chủ trương Nghị quyết của BCH Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ, chủ động lấy ý kiến góp ý dự án Luật qua nhiều hình thức đa dạng và đưa điều này trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc, như: đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản liên quan để lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường; lấy ý kiến bằng văn bản các Bộ, ngành và địa phương; đồng thời tổ chức các hội thảo, tọa đàm, hội nghị để tiếp thu ý kiến của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức quốc tế, các Bộ ban ngành, cơ quan Trung ương và địa phương và các đối tượng chịu sự ảnh hưởng của Luật, từ đó tiến hành tổng hợp, phân loại, phản biện xã hội xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật.
Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, có thể nhận thấy rằng nhiều nội dung kiến nghị của tỉnh liên quan đến giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, GPMB, giá đất, xử lý tài sản khi Nhà nước thu hồi đất, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất …đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật lần này, giải trình ý kiến góp ý, cung cấp thông tin làm rõ các nội dung trong Dự thảo Luật gửi các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, bổ sung lập luận, góc nhìn, thực tiễn giúp các cơ quan của Quốc hội cân nhắc quyết định đối với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật theo đúng thẩm quyền, vai trò của cơ quan thẩm tra đã quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng nhiệm vụ của mình đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc sửa đổi và dần hoàn thiện Luật Đất đai phù hợp với thể chế Nhà nước, đúng đắn theo đường lối của Đảng và quy định Hiến pháp 2013.
PV: Xin cảm ơn ông.