Phát biểu tại Hội nghị, bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 11 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng tại các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó cần chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thời gian qua, nhằm sớm đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế cũng như thực hiện các biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam tham gia là thành viên…. nhiều quy định quan trọng đã được ban hành như Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu…..
Hội nghị hôm nay sẽ tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường cho các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi thực thi pháp luật về biến đổi khí hậu và các quy định chi tiết thi hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa phương.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày nhiều tham luận với nội dung như: Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và các quy định pháp luật đã được ban hành; Phát triển thị trường các-bon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; Lộ trình quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn; Tình hình phát thải khí nhà kính và các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính… Qua đó, giúp cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị ở khu vực miền Trung triển khai Luật Bảo vệ môi trường đi vào thực tiễn cuộc sống, phù hợp với điều kiện thực tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.