Kinh tế

Phát triển thương mại, dịch vụ ở Chi Lăng (Lạng Sơn): Kết hợp hiệu quả truyền thống và chuyển đổi số

PV 27/12/2024 - 16:28

(TN&MT) - Năm 2024, UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Nhiều nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng doanh thu hàng hóa bán lẻ, thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại

Có tuyến Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn với chiều dài gần 40km đã tạo dựng cho Chi Lăng lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ dọc 2 tuyến đường, với gần 700 cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Để nâng cao hiệu quả phát triển thương mại, dịch vụ, ngay từ đầu năm 2024, Chi Lăng đã giao các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung các Nghị quyết, chương trình hành động, các đề án, chiến lược, chính sách, pháp luật về quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch tới cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, 100% các đơn vị trường học, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn.

20241227_134646.jpg
Chi Lăng đã và đang tập trung phát triển các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của huyện như Na, Tinh dầu hồi, mật ong, cao khô, khau nhục, bột nghệ, sản phẩm trà diếp cá, vối...

Cùng với đó, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, kết hợp phương thức truyền thống và ứng dụng công nghệ số. Như: Treo băng rôn, pano, khẩu hiệu, catalog, tờ rơi, tờ gấp...; trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động lễ hội - văn hóa - thể thao; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và lan tỏa trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo, youtube…); Thường xuyên đăng tải thông tin, sự kiện liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư, hoạt động du lịch trên Trang thông tin điện tử, Website du lịch của huyện.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng tới nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật chuyển đổi số, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh thương mại, dịch vụ; tận dụng hiệu quả những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Duy trì hoạt động của 159 Tổ công nghệ cộng đồng ở 20 xã, thị trấn. Tăng cường tuyên truyện, vận động người dân bán hàng trên cửa hàng số của các sàn giao dịch điện tử cũng như các phương thức giao dịch điện tử khác. Thực hiện cài đặt ứng dụng app công dân số Xứ Lạng, tài khoản thanh toán điện tử và app người mua Voso hoặc Postmart với hơn 63.400 tài khoản đã được cài đặt.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND, đã hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất tín dụng, hỗ trợ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản trên phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ tham gia triển lãm hội chợ trong và ngoài nước; hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới; hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển sản phẩm theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm đạt 4 sao; 13 sản phẩm đạt 3 sao.

Ổn định nguồn cung thị trường

Song song công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, Chi Lăng đã đẩy mạnh triển khai quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, tạo sự lành mạnh của thị trường, tăng mức lưu chuyển hàng hóa.

Năm 2024, tổng mức lưu thông hàng hóa bán lẻ ước đạt 1.300 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương ước đạt 16,5 triệu USD, tăng 9,3% so với năm 2023. Toàn huyện hiện có 97 doanh nghiệp, 45 hợp tác xã; trên 11.350 cửa hàng số, doanh số bán hàng trên cửa hàng số ước đạt gần 64 tỷ đồng.

img_1703556391439_1703556642656.jpg
Chi Lăng đang duy trì hoạt động của 159 Tổ công nghệ cộng đồng ở 20 xã, thị trấn.

Theo UBND huyện Chi Lăng, năm 2024, UBND huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi. Đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ thương mại như xây dựng siêu thị, siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi tại trung tâm các xã, thị trấn; duy trì, ổn định hoạt động 7 chợ trên địa bàn huyện.

Với đồng bộ các nhóm giải pháp, hoạt động thương mại, dịch vụ tại Chi Lăng đã được duy trì ổn định, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, không có tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm nguồn hàng, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời đến các xã, thôn bản, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo sát sao và thực hiện nghiêm. Hiện tượng đầu cơ, găm hàng, vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua địa bàn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng được kiểm soát chặt chẽ.

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, xúc tiến thương mại, năm 2025 huyện Chi Lăng sẽ quan tâm, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa quan trọng của phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của huyện. Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết các hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo thế mạnh về cung ứng dịch vụ, hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ phát triển các sản phẩm hàng hóa là đặc thù, thế mạnh của địa phương.

20241227_134801.jpg
Năm 2024, tổng mức lưu thông hàng hóa bán lẻ ở huyện Chi Lăng ước đạt 1.300 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương ước đạt 16,5 triệu USD, tăng 9,3% so với năm 2023

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao tỷ lệ sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, áp dụng các mô hình phân phối, giao dịch hiện đại nhằm phát triển nhanh thị trường. Thúc đẩy giao lưu hàng hóa, tiếp tục hoàn thiện hệ thống bán buôn, bán lẻ, chuỗi liên kết phục vụ sản xuất, đời sống người dân. Phát triển các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của huyện như Na, Tinh dầu hồi, mật ong, cao khô, khau nhục, bột nghệ, sản phẩm trà diếp cá, vối... Triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế số, cửa hàng số để nâng cao sức cạnh tranh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thương mại, dịch vụ ở Chi Lăng (Lạng Sơn): Kết hợp hiệu quả truyền thống và chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO