Tài nguyên

Phát triển Kon Tum xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên

Theo Chinhphu.vn 16/01/2024 - 21:27

Đây là mong muốn, kỳ vọng của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi tới Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 16/1.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển Kon Tum xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng từ quy hoạch định hướng, tỉnh Kon Tum phải triển khai các quy hoạch chi tiết hơn, để đưa ra những hình hài, diện mạo tương lai trên từng vùng đất của Kon Tum - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Sức vươn mạnh mẽ ở vùng đất ngã ba biên giới

Kon Tum có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Là một trong những cửa ngõ kết nối các nước Lào, Campuchia đến các cảng biển khu vực Duyên hải Trung Bộ của Việt Nam thông qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các tuyến quốc lộ 14, 24, 40.

Đây cũng là vùng đất có địa danh "Cột mốc Quốc giới Việt Nam - Lào - Campuchia"- biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương.

Điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo cho Kon Tum lợi thế để phát triển các ngành kinh tế nông - lâm nghiệp với những sản phẩm hàng hóa với giá trị gia tăng lớn như: Cà phê, cao su, mắc ca; các loại cây dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm và các loại dược liệu quý hiếm khác.

Đặc biệt tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng còn nguyên vẻ hoang sơ với Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, khu du lịch sinh thái Măng Đen,… nền văn hóa giàu bản sắc, có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng anh hùng, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực thể hiện qua các chỉ số phát triển hết sức ấn tượng.

Quy mô tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 34 nghìn tỷ đồng gấp gần 3 lần so với năm 2012. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 8,8%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 58,42 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,7%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,86% năm 2023.

Diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới. Các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, góp phần tạo nên hành lang kết nối với các địa phương lân cận cũng như các nước Đông Dương.

Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng;… Những thành tựu đạt được đã góp phần đưa tỉnh Kon Tum hòa nhịp vào sự phát triển chung của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những kết quả nổi bật, đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đạt được trong suốt chặng đường hình thành và phát triển vừa qua.

Phát triển Kon Tum xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phát triển bền vững dựa vào hệ sinh thái, bản sắc văn hóa

Quy hoạch tỉnh Kon Tum được xây dựng trong tổng thể phát triển vùng Tây Nguyên, kết nối với Duyên hải miền Trung và tiểu vùng Mekong; là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, với triết lý phát triển phù hợp với xu thế của thế giới "phát triển bền vững dựa vào hệ sinh thái, bản sắc văn hóa".

Quy hoạch sẽ là công cụ pháp lý quan trọng, mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới của Kon Tum với các trụ cột chính: Hình thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, trọng tâm là xây dựng Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực; phát triển kinh tế đô thị với trung tâm là thành phố Kon Tum hiện đại, sôi động và bền vững với bản sắc riêng, là điểm nhấn về phát triển đô thị của khu vực Bắc Tây Nguyên.

Trong giai đoạn 2021-2030, Kon Tum đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 110 triệu đồng/người. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 52%. Độ che phủ rừng là 64%.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những mục tiêu, khát vọng trên, Phó Thủ tướng cho rằng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Kon Tum cần có kế hoạch thực hiện Quy hoạch của chính mình, xác định những công việc cần ưu tiên, có lộ trình bài bản, đồng bộ, khoa học.

Đồng thời, tập trung rà soát, bảo đảm hài hoà với quy hoạch vùng Tây Nguyên, giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Trung Bộ; phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành quốc gia về văn hoá, thể thao, du lịch, hạ tầng giao thông…

Phát triển Kon Tum xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum sẽ góp phần nâng cao giá trị của địa phương về tự nhiên, bản sắc văn hoá, những cánh rừng đại ngàn, vị trí kết nối con đường xanh từ Duyên hải Trung Bộ với các nước Lào, Campuchia - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Giải cho được "bài toán" phát triển và bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường

Phân tích các thách thức đặt ra từ khâu lập quy hoạch đến quản lý, thực hiện quy hoạch, giải quyết "bài toán" xung đột giữa phát triển và bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng lưu ý, từ quy hoạch định hướng, Kon Tum phải cụ thể hoá bằng các quy hoạch chi tiết về đô thị, nông thôn, các phân khu chức năng kinh tế, giáo dục, văn hoá, y tế…

Trong đó, quy hoạch đô thị phải giải quyết các bất cập về giao thông, sức ép dân số, hạ tầng xã hội không theo kịp, ô nhiễm môi trường, ngập lụt… một cách đồng bộ, đi kèm với các hệ sinh thái kinh tế thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp để chuyển dịch lực lượng lao động, chuyển đổi mô hình kinh tế; thích ứng với biến đổi khí hậu, tai biến địa chất phức tạp, gìn giữ giá trị văn hoá, cảnh quan, địa hình, khí hậu.

"Quy hoạch tỉnh Kon Tum mới chỉ là sự bắt đầu, các đồng chí phải tiếp tục có tư duy sáng tạo, huy động các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới lập và triển khai các quy hoạch chi tiết hơn, để đưa ra những hình hài, diện mạo tương lai trên từng vùng đất của Kon Tum, tích hợp các quy hoạch quốc gia, hệ thống giao thông liên tỉnh, đa phương thức", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, Tây Nguyên có giá trị độc đáo, vị trí, tầm quan trọng không thể thay thế trong bảo tồn hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, đất đai phì nhiêu gắn với bản sắc văn hoá, con người vốn rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, sức ép phát triển kinh tế, xã hội…

Đơn cử, Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, có tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, đóng vai trò quan trọng đối với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhưng cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng phương án khai thác phù hợp để phát triển hoặc chưa khai thác nếu xung đột quá lớn với định hướng phát triển bền vững.

"Lời giải" cho Kon Tum là lựa chọn ưu tiên phát triển kinh tế xanh bền vững như bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, nhưng cũng là nguồn cung cấp năng lượng xanh, quý giá; dựa vào kinh tế rừng đa mục tiêu, sản xuất dược liệu, nông nghiệp dưới tán rừng, gắn với công nghiệp chế biến và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá.

Với thương hiệu sâm Ngọc Linh, Phó Thủ tướng cho rằng Kon Tum nên đa dạng hoá các sản phẩm chế biến từ loại dược liệu quý này để không chỉ gia tăng giá trị mà còn đưa Kon Tum ra thế giới, Phó Thủ tướng gợi mở.

Phó Thủ tướng tin tưởng quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum sẽ góp phần nâng cao giá trị của địa phương về tự nhiên, bản sắc văn hoá, những cánh rừng đại ngàn, vị trí kết nối con đường xanh từ Duyên hải Trung Bộ với các nước Lào, Campuchia, "để mỗi nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh sẽ cảm nhận, hình dung được một Kon Tum xanh cùng những đô thị xanh, thông minh giữa đại ngàn Tây Nguyên".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Kon Tum xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO