Nha Trang – Khánh Hòa là trung tâm du lịch lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tốc độ phát triển du lịch ở Nha Trang trong những năm trở lại đây rất ấn tượng, chỉ tính riêng năm 2019 nơi đây đón hơn 7,2 triệu lượt khách, với hơn 3 triệu lượt khách quốc tế. Sau dịch Covid-19 tốc độ tăng trưởng du lịch đang tăng mạnh trở lại, 6 tháng đầu năm 2022, Khánh Hòa đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan. Tuy nhiên điều hạn chế là các sản phẩm du lịch về đêm nơi đây còn “nghèo nàn”, chưa tương xứng với một trung tâm du lịch lớn.
Khánh Hòa sở hữu ba vịnh kín gió được xếp vào hàng đẹp nhất nước và nổi tiếng thế giới là Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong, trong đó vịnh Nha Trang đã được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; có khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, Khánh Hòa còn sở hữu nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, có những công trình kiến trúc thuộc loại quý hiếm do con người tạo ra như: Tháp Ponagar huyền thoại trên dưới 1.000 năm, Thành cổ Diên Khánh, các đình, chùa, miếu; các cơ sở nghiên cứu khoa học như: Viện Hải Dương Học, viện Pastuer Nha Trang…
Tiềm năng là thế nhưng việc khai thác và hoạt động kinh tế đêm ở Nha Trang- Khánh Hòa, đặc biệt là sản phẩm du lịch ban đêm lại khiêm tốn. Điểm nhấn lớn nhất của hoạt động đêm tại đây là các tuyến đường “gà đẻ trứng vàng” (đường Trần Phú, Hùng Vương, Biệt Thự, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thiện Thuật) là nơi tập trung nhiều quán bar, nhà hàng và được người dân, du khách truyền miệng nhau ví von là “phố Tây” tại Nha Trang. Tuy nhiên, so với nhiều phố khác ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hay một số phố du lịch các nước trong khu vực: Thái Lan, Sinhgapore, Malaysia... thì phố Tây Nha Trang lại khá trầm lắng về đêm, và chưa để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách.
Các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí và phục vụ du khách về đêm quá 0 giờ ở Nha Trang rất hạn chế, có lẽ phố này không thật sự tách biệt mà xen lẫn với nhiều nhà dân. Do đó, hoạt động qua 0 giờ chắc hẳn sẽ bị nhiều người dân phản ứng, đây cũng là hạn chế khó khắc phục. Các hoạt động giải trí ở phố Tây Nha Trang cũng khá đơn điệu, chủ yếu là các loại hình phục vụ ăn uống đơn thuần mà ít các hoạt động biểu diễn.
Ngoài ra, khu chợ đêm ngay quảng trường trung tâm TP Nha Trang cũng là một điểm nhấn, nhưng quy mô nhỏ, hàng hóa không phong phú, sản phẩm phục vụ du lịch tại đây đơn điệu.
Cảm nhận về những hoạt động đêm ở Nha Trang du khách Lý Thị Phương Tuyền chia sẻ: "Nha Trang rất đẹp, nhưng về đêm ở đây khá trầm lắng vì điểm vui chơi đêm thiếu và du khách thường đi ngủ sớm. Nha Trang cần đầu thêm các bar hay phố đi bộ, các hoạt động đêm nhiều hơn để du khách vui chơi theo sở thích”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thừa nhận: Hoạt động kinh tế ban đêm tại Nha Trang đến nay vẫn chưa phát triển một cách bài bản, đồng bộ mà chỉ là các hoạt động đơn lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Để phát triển sản phẩm du lịch đêm UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT phối hợp Sở Du lịch Khánh Hòa và các Sở ngành xây dựng đề án “Phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh Khánh Hòa”. Theo đó, đề án sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2021- 2023) sẽ tiến hành khảo sát, lựa chọn, tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có trên nguyên tắc đảm bảo giao thông kết nối, mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Các sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm gồm: Dịch vụ vui chơi giải trí; ăn uống; mua sắm; tham quan du lịch về đêm…
Các dịch vụ này được cụ thể bằng các hoạt động như: Vui chơi, giải trí, thể thao biển, phố đêm, phố đi bộ, các show diễn, hoạt động bar, vũ trường, phố ẩm thực, chợ hải sản, bar, pub ven sông, ven biển, không gian ẩm thực ven biển. Ngoài ra, giai đoạn này cũng hướng tới hình thành các chợ đêm mang bản sắc đặc trưng vùng miền; tổ chức dịch vụ tham quan tại điểm văn hóa lịch sử, các khu du lịch lớn... Đề án xác định, trong giai đoạn 1 phải xây dựng được cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm; xây dựng và áp dụng quy định về quản lý, đầu tư khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2024 - 2030) sẽ tập trung hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh. Đồng thời, tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm; trong đó xây dựng một số khu tổ hợp vui chơi, giải trí riêng biệt, tách biệt khu dân cư với quy mô lớn. Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ.