Phát triển du lịch sinh thái bền vững tại vườn quốc gia

24/07/2018 22:30

(TN&MT) - Khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện có 59 trong tổng số 88 Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn và sinh cảnh cùng khu bảo vệ cảnh quan, chiếm hơn 1 nửa hệ đa dạng về sinh thái - sinh học của cả nước. Khai thác du lịch nhưng phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy là 1 thách thức lớn, đòi hỏi cách làm hết sức chuyên nghiệp của các đơn vị và địa phương có trách nhiệm quản lý.

Cù Lao Chàm – một hình mẫu về khai thác du lịch bền vững tại Khu bảo tồn
Cù Lao Chàm - một hình mẫu về khai thác du lịch bền vững tại Khu bảo tồn

Thiếu quản lý, kiểm soát

Với hệ sinh thái rộng lớn, đặc thù, tính đa dạng sinh học cao và sinh cảnh sống chính của nhiều loài động vật, miền Trung - Tây Nguyên có tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch sinh thái với một số sản phẩm điển hình như: du lịch xem rùa đẻ, lặn san hô (Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm); tham quan hang động Phong Nha - Kẻ Bàng; du lịch xem thú (VQG Bạch Mã, VQG Chư Mo Ray)…

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch thiếu quy hoạch, kế hoạch chưa rõ ràng dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa cũng như hiệu quả kinh doanh hoạt động du lịch của các VQG/KBT. Trong 61 KBT tổ chức du lịch sinh thái, có 56 khu chưa có đề án phát triển du lịch và 60 khu chưa có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

TS. Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho rằng: Việc quản lý, kiểm soát quá trình triển khai các dự án khai thác, đầu tư du lịch thiếu chặt chẽ và nghiêm túc, không theo quy hoạch hoặc thiếu tầm nhìn dẫn đến việc đầu tư các công trình đã làm phá vỡ cảnh quan, môi trường, sinh thái, tác động tiêu cực tới tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học như tại Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Tĩnh, Phú Yên… Ngoài ra, mâu thuẫn do việc chia sẻ lợi ích chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lợi trực  tiếp từ hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương đã gây ra những tác động không nhỏ, giảm hiệu quả trong công tác bảo tồn. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bức tranh du lịch của Việt Nam có nhiều cải thiện nhưng nhiều chỉ số liên quan đến môi trường lại đứng ở gần cuối bảng xếp hạng như mức độ bền vững về môi trường (hạng 129/136), các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115/136). Mức độ chất thải (hạng 128/136)…

Việc thiếu kiểm soát, quản lý là lỗ hổng để các công ty du lịch hủy hoại môi trường tại các khu bảo tồn
Việc thiếu kiểm soát, quản lý là lỗ hổng để các công ty du lịch hủy hoại môi trường tại các khu bảo tồn

Tương tự, ông Lê Văn Lanh - Hiệp hội VQG và KBTTN Việt Nam cho rằng: việc thiếu các quy định và hướng đã chi tiết không những làm cho các VQG/KBT lúng túng trong công tác triển khai mà còn là lỗ hổng để các công ty du lịch phát triển loại hình du lịch phổ thông tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn lấy danh nghĩa là du lịch sinh thái.

“Bán những gì ta có một cách bền vững”

Tại Hội thảo phát triển du lịch tại các VQG/KBT do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, Trung tâm bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 21/7, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn, như: cần hoàn thiện chính sách quản lý rừng đặc dụng, chính sách khuyến khích đầu tư du lịch sinh thái trong các VQG/KBT thiên nhiên; chú trọng đầu tư công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực; tăng cường tham gia của người dân địa phương vào quá trình lập kế hoạch và quản lý du lịch; bảo đảm du lịch sinh thái góp phần bảo tồn các khu rừng đặc dụng nguyên sinh; tăng cường hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế trong bảo tồn, nghiên cứu, quản lý các hoạt động du lịch sinh thái...

Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban thư ký Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm chia sẻ bài học về mô hình về phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị văn hóa bản địa tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Theo đó, trong du lịch sinh thái, người dân địa phương là chủ câu chuyện; khai thác tài nguyên một cách văn minh; các giá trị trong khu sinh quyển không tồn tại độc lập, mà giữa chúng có sự phụ thuộc và liên kết với nhau về không gian và thời gian; bán cái gì ta đang có, không bán những gì khách cần.

Du khách tham quan, ngắm voọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà
Du khách tham quan, ngắm voọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà

“Tại Cù Lao Chàm có rất nhiều doanh nghiệp đề nghị phát triển các loại hình thể thao trên biển cảm giác mạnh, làm xáo trộn môi trường nước, ảnh hưởng trực tiếp đến san hô, các thảm cỏ biển và đời sống của các loài sinh vật cả trên cạn và dưới nước. Tuy nhiên, đối với các KBT, việc giới thiệu và bán các sản phẩm dịch vụ không theo nguyên tắc cố hữu “bán những gì người mua cần” mà chỉ nên “bán những gì ta có một cách bền vững”. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng liên quan đến định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn những giá trị nổi bật của khu sinh quyển.”-  ông Lê Ngọc Thảo cho biết.

TS. Miki Yoshizumi- Trường Đại học Ritsumeikan cho rằng để phát triển du lịch bền vững, Việt Nam cần xây dựng và quản lý theo mô hình Thuế sinh thái. Tại Việt Nam, thuế bảo vệ môi trường vẫn chưa có sự quan tâm đúng mực mặc dù đã có hành lang pháp lý. Thuế sinh thái sẽ là một sáng kiến hữu ích có thể nội địa hoá các chi phí bên ngoài được tạo ra bởi ngành du lịch, từ đó tối ưu hoá các lợi ích xã hội. Hơn thế nữa, thuế sinh thái có thể tạo ra một nguồn lực tài chính vững chắc để có thể tài trợ cho các khoản chi tập trung vào việc giảm thiểu các tác hại về môi trường do ngành du lịch gây ra, đặc biệt là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dựa vào vốn tài nguyên du lịch thiên nhiên.

Thống nhất với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Dựng- Trung tâm Con người và Thiên nhiên đề xuất chuyển hạng KBTTN Sơn Trà thành VQG với diện tích được mở rộng bao gồm: bán đảo Sơn Trà hiện có, rừng đặc dụng Nam Hải Vân và một phần diện tích biển để phát huy tối đa các hình thức du lịch bền vững trong khu vực. Với mô hình này, sẽ thống nhất một đầu mối quản lý và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Qua đó, sẽ mang lại giá trị tài chính cho Sơn Trà từ việc khai thác du lịch để đảm bảo nguồn lực trở lại cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch sinh thái bền vững tại vườn quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO