Phát triển cảng biển khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế

Văn Dinh| 23/09/2020 22:31

(TN&MT) - Cảng biển Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ với riêng địa phương mà còn các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Công tác quy hoạch phát triển cảng biển tại tỉnh này cần được quan tâm hơn...

Chiều 23/9, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác quy hoạch phát triển cảng biển khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cảng biển

Nhiều tiềm năng

Cảng biển Thừa Thiên Huế thuộc nhóm cảng biển Trung Trung Bộ. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, cảng biển Thừa Thiên Huế có chức năng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I), bao gồm các khu bến chức năng: khu bến Chân Mây, Thuận An và bến chuyên dụng tại Điền Lộc.

Hiện Cảng biển Thừa Thiên Huế đưa vào khai thác 2 khu bến: Thuận An, Chân Mây (bến chuyên dụng Điền Lộc chưa xây dựng). Lượng hàng hóa năm 2019 đạt 3,40 triệu tấn (Thuận An 0,53 triệu tấn; Chân Mây 2,87 triệu tấn). Lượng hành khách năm 2019 đạt 184.461 hành khách.

Khu cảng Chân Mây là một khu chức năng quan trọng trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, là khu bến chính của cảng biển Thừa Thiên Huế. Cảng Chân Mây có vị trí xây dựng chiến lược, rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực, dễ dàng tiếp cận với tuyến QL1A, nằm giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh do nằm giữa 2 đô thị lớn của miền Trung là Đà Nẵng và Huế, là vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng: tuyến trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung. Đây còn là cửa ngõ hướng ra biển Đông của Hành lang Kinh tế Đông - Tây nối các nước Myanma, Thái Lan, Lào.

Cảng Chân Mây (ảnh) là cảng biển lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí chiến lược quan trọng

Những năm qua, lượng hàng qua cảng trung bình hàng năm đạt khoảng 2,2 triệu tấn/năm; hàng hóa qua cảng chủ yếu là dăm gỗ, than, clinker,… xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…; số lượt tàu du lịch qua cảng bình quân hàng năm khoảng 45-50 lượt với lượng khách và thủy thủ khoảng 130.000 lượt khách. Hiện tại, công suất hoạt động của Bến số 1 đã vượt 120% so với công suất thiết kế; đồng thời, chưa đảm bảo điều kiện về trang thiết bị để xuất nhập hàng container nên lượng hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất qua cảng Đà Nẵng và các cảng khác rất lớn (ước tính khoảng 81.600 TEUs).

Dự báo đến năm 2025, có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động (Nhà máy sản xuất găng tay y tế 10 tỷ chiếc/năm, sợi 800 tấn/năm; 2 dự án sản xuất ô tô với công suất khoảng 220.000 xe/năm, dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi Billion Max với công suất 20 triệu sản phẩm/năm,...), dự kiến nhu cầu xuất hàng qua cảng Chân Mây là rất lớn với tổng lựợng hàng qua cảng ước khoảng 7 triệu tấn.

Đối với Cảng Thuận An, lượng hàng hóa thông qua cảng qua những năm đạt được như sau: Năm 2018: 300.000 tấn; Năm 2019: 350.000 tấn; Năm 2020: 150.000 tấn (8 tháng đầu năm, suy giảm do ảnh hưởng dịch Covid). Trong đó các mặt hàng chủ yếu là hàng rời: Clinker trung chuyển xuất khẩu, than nhập khẩu, cát bao, gỗ… Cỡ tàu đón nhận được 1500 DWT trở lại. Năng lực xếp dỡ hiện nay đạt 700.000 tấn/năm.

Nhiều bến đang được xây dựng tại cảng Chân Mây

Phát triển cảng biển Thừa Thiên Huế

Sau khi rà soát, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh Cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế. Bổ sung chức năng đối với khu bến Chân Mây thuộc cảng biển Thừa Thiên Huế là khu bến cảng tổng hợp, công ten nơ, phục vụ hàng hóa trong khu vực, hàng tiếp chuyển quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan; bến phục vụ tàu khách du lịch quốc tế; bến xăng dầu; bến cảng chuyên dùng khí hóa lỏng LNG phục vụ cụm kho LNG...

Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam quan tâm, xem xét, bổ sung hệ thống cảng cạn tại trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô với diện tích khoảng 120ha vào quy hoạch cảng cạn thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 05/12/2008.

Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác quy hoạch phát triển cảng biển

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Công cho rằng, Cảng biển Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ với riêng tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ; trong đó có Cảng Chân mây là cảng đầu tiên tiếp nhận tàu quốc khách quốc tế có trọng tải lớn.

Thứ trưởng cơ bản đồng tình với các đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, liên quan đến các quy hoạch cảng biển trong giai đoạn mới, Thứ trưởng đề nghị quy hoạch Cảng biển Thừa Thiên Huế trong đó Cảng chân Mây là cảng tổng hợp, contenơ, cỡ tàu quy hoạch và các tàu lớn hơn phù hợp với cơ cấu hạ tầng cầu cảng hiện hữu; thống nhất bổ sung các cảng chuyên dụng…

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Bộ GTVT và Bộ VHTT&DL cùng với các cơ quan, ban ngành liên quan sớm đầu tư cảng quốc tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu du khách, an toàn hàng hải trong thời gian sắp tới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cảng biển khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO