Đi lên từ… thủy sản
Kể từ thời điểm ngăn đập phục vụ hoạt động phát điện của Nhà máy thủy điện Sơn La trên sông Đà (năm 2010) đến nay, hơn 10 năm tích nước, môi trường hồ thủy điện Sơn La ổn định, hình thành hệ sinh thái đất ngập nước - hệ sinh thái hồ chứa điển hình tại vùng núi cao Tây Bắc, Việt Nam. Việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trở nên thuận lợi, đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở các bản ven hồ. Ngoài ra, vào mùa hồ xả nước, đồng bào dân tộc vùng ven hồ còn tranh thủ khai thác, trồng cấy trên vùng đất bán ngập.
Hồ thủy điện Sơn La mùa nước cạn. Ảnh: Chính Tới |
Tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), vùng lòng hồ rộng hơn 10.500 ha, dài khoảng 72 km, trải dọc địa bàn 9 xã. Đây là môi trường thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi cá lồng và đánh bắt, khai thác thủy sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay, huyện này đã thành lập 46 hợp tác xã thủy sản với gần 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng đánh bắt hàng năm ước đạt khoảng 2.300 tấn, giá trị thu nhập bình quân/lồng đạt từ 20 - 30 triệu đồng. Trong đó có 10 hợp tác xã thủy sản và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà” do Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp.
Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Khi Sông Đà biến thành hồ, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã để nuôi trồng thủy sản. Mới đầu (năm 2012) có 18 thành viên, tổng lồng cá có 281 lồng cá, đến thời điểm bây giờ thì có 46 thành viên và tổng lồng cá tăng lên 962 lồng. Sản phẩm của hợp tác xã không chỉ bán tại địa phương mà còn cung cấp nguồn cá cho các tỉnh lân cận Điện Biên, Lai Châu”.
Hiện tại, gia đình ông Khặn đã có 114 lồng cá với các loại cá như lăng, trắm, chép, rô… bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng. Ảnh: Chính Tới |
Giá thành cá trắm mùa này (thời điểm tháng 6, đầu tháng 7, hồ cạn - PV) trung bình 70 nghìn đồng/kg, cá lăng theo loại, loại 1,5 - 2 kg có giá 80 nghìn, loại 3 kg trở lên có giá 120 nghìn/kg, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm/một thành viên.
Cùng với lợi thế như Quỳnh Nhai, huyện Mường La hiện đang phát triển 907 lồng cá với trên 143 ha. Năm 2020, sản lượng cá ao đạt hơn 300 tấn, cá lồng đạt 544 tấn và sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 200 tấn. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam với quy mô 250 lồng cá, sản lượng từ 150 - 180 tấn/năm. Hợp tác xã thủy sản Nậm Giôn và Hợp tác xã Bình Minh đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà”, có 4 đại lý cấp 1 trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm cá tầm của địa phương. Ngoài ra, sản phẩm cá của những đơn vị này còn được tiêu thụ thông qua chuỗi siêu thị Vinmart, nhà hàng ở Hà Nội, Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên.
Giám đốc Hợp tác xã Nậm Giôn Quàng Văn Hùng cho biết: Thành lập tháng 7/2017, HTX có 10 thành viên, quy mô 98 lồng cá, sản lượng đạt hơn 30 tấn cá/năm, doanh thu bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm.
Khai thác, phải đi đôi với bảo vệ
Để kiểm soát, bảo vệ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản hiệu quả, huyện Mường La đã thành lập 9 tổ bảo vệ bãi cá đẻ và bãi thủy sinh vật còn non thuộc hồ chứa thủy điện Sơn La tại các xã: Chiềng Lao, Nậm Giôn, Hua Trai, Mường Trai. Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân khu vực lòng hồ không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản.
Chiềng Bằng là một trong những xã đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai tiên phong thực hiện chuyển đổi từ trồng trọt trên nương rẫy sang phát triển nuôi cá lồng. Ảnh: Chính Tới |
Theo các nhà khoa học, khu hệ cá lưu vực sông Đà địa phận Việt Nam gồm 242 loài cá và phân loài, trong đó có 4 loài đặc hữu ở Tây Bắc, 30 loài chỉ có ở sông Đà mà chưa có ở khu hệ cá khác tại Việt Nam. Khu hệ cá lưu vực sông Đà địa phận Việt Nam có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, đồng bào dân tộc vùng ven hồ với 52 loài cá kinh tế, 24 loài cá cảnh, và 12 loài cá phòng dịch.
Tuy nhiên, việc khai thác quá mức nguồn lợi cá, xây dựng thủy điện, khai thác vàng, chặt phá rừng và canh tác đất dốc ở khu vực vùng hồ như hiện nay đã làm giảm sút nghiêm trọng về số lượng và chất lượng nguồn lợi cá lưu vực sông Đà, ảnh hưởng xấu đến tính đa dạng.
Được biết, vùng hồ thủy điện Sơn La và thượng nguồn sông Đà có 17 loài cá có trong Sách Đỏ Việt Nam cần cấm khai thác, đó là: Chình nhật, Mòi mõm tròn, Mòi cờ hoa, Chày bắc, Lá giang, Chày tràng, Rồng măng, Ngựa bắc, Cầy, Cầy chấm, Pin, Pang, Anh vũ, Mị (cá pạo), Dầm xanh, Dầm vàng, Trạch trần. Để hài hòa lợi ích giữa khai thác thủy sản trên hồ với việc bảo vệ môi trường sinh thái, nên chăng các địa phương cần có kế hoạch đầu tư thích đáng để phát triển nguồn lợi cá, nghiên cứu, tạo môi trường sinh sản thuận lợi cho các loài cá đặc sản trên sông Đà như Chiên, Lăng, Măng, Ngạnh, Dầm xanh, Anh vũ, Chày mắt đỏ tại địa phương, khuyến khích các mô hình nhân giống…
Đánh bắt tôm trên hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Chính Tới |
Bên cạnh đó, cần ngăn chặn hiệu quả việc khai thác thủy sản mang tính tận diệt của một số tổ chức, hộ dân đã làm nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên vùng lòng hồ. Được biết, hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai còn hơn 600 vó bè, vó đèn; 444 cái lưới và hơn 100.000 rọ tôm, bát quái của các hợp tác xã và hơn 550 hộ dân sử dụng để khai thác, đánh bắt thủy sản.
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác tận diệt, UBND huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã dọc sông đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản quy định về khai thác, đánh bắt thủy sản; ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ và ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản; xử lý các hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó có ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản.
Để phát triển nguồn lợi thủy sản hài hòa với bảo vệ môi trường sinh thái vùng hồ, tỉnh Sơn La đã có những giải pháp nhằm đưa kinh tế vùng hồ các thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến I) xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế trong tỉnh, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có, phát triển kinh tế cùng với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng hồ.