Xã hội

Phát huy vai trò nữ trí thức hướng tới phát triển bền vững

Minh Hạnh 04/10/2024 - 12:19

Ngày 4/10, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ( INWES-APNN) đã được tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong khoa học & công nghệ và hội nhập quốc tế: Thông minh, Sáng tạo & Bền vững”.

Hội nghị do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức. Đây là lần thứ 2 Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc trong mọi thời đại, tri thức là nền tảng tiến bộ xã hội, là lực lượng nòng cốt, sáng tạo.

Trong bề dày truyền thống, văn hoá dân tộc, đội ngũ tri thức khoa học công nghệ luôn có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng tiên phong, bằng lao động trí óc, sáng tạo đã tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế, tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hội nhập quốc tế đồng thời được coi là nhân tố quan trọng, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

apnn-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại hội nghị.

Việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức luôn là vấn đề có tầm chiến lược trong phát triển bền vững, là mối quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua, khuôn khổ thể chế, chính sách để xây dựng, phát triển đội ngũ tri thức đặt nhiệm vụ đãi ngộ và tôn vinh lao động sáng tạo đang không ngừng được hoàn thiện, tiếp cận mạnh mẽ với xu hướng tiến bộ của thế giới với nhiều đạo luật quan trọng như Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ…

Nhờ vậy, đội ngũ tri thức Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh, ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Những ngày qua, các cơ quan báo chí truyền thông cũng đã lan toả niềm vui về việc Việt Nam tiếp tục thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giứi, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.

Với lực lượng ngày càng đông đảo, góp phần ở hầu hết lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, đội ngũ nữ kỹ sư đang mạnh mẽ tiến bước và ngày càng thể hiện tài năng, trí tuệ và tiềm năng đổi mới sáng tạo. Sự có mặt của các chị đã lấp dần khoảng trống về giới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học.

“Theo đó, các diễn đàn như hội nghị hôm nay là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục khẳng định vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ, góp phần tham gia tốt hơn vào sự phát triển. Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho khả năng to lớn và đóng góp vô cùng quan trọng của phụ nữ cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Bằng sự chân thành, trí tuệ, các đại biểu phụ nữ của Việt Nam và quốc tế có thể cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu và làm rõ hơn chủ đề hội nghị đề ra, đó là Vai trò của phụ nữ trong khoa học & công nghệ và hội nhập quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Hội nghị INWES-APNN 2024 với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong khoa học & công nghệ và hội nhập quốc tế: Thông minh, Sáng tạo & Bền vững” diễn ra trong hai ngày 4 và 5 tháng 10 năm 2024 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC (Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc).
Hội nghị diễn ra hai hội thảo chuyên đề: “Giới và STEM” và “Sức khỏe và Môi trường”. Đồng thời còn tổ có nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như: Triển lãm tranh của các họa sĩ nữ; Triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học nữ; Gala Diner; Biểu diễn nghệ thuật.

Nói rõ hơn về Hội Nữ Trí thức Việt Nam, GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho biết: Trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từ 350 hội viên ban đầu, đến nay hội đã có gần 6.000 hội viên.

apnn4.jpg
GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị

Trong khuôn khổ hoạt động, Hội đã tập trung vào việc thúc đẩy, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học. Thông qua việc tổ chức trên 100 hội thảo khoa học; hàng trăm công trình nghiên cứu được công bố và trình bày tại các hội nghị cấp quốc gia đã khẳng định năng lực của nữ trí thức Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Hội cũng rất chú trọng đến việc hỗ trợ nữ trí thức chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về sở hữu trí tuệ, kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp, tạo điều kiện để các sản phẩm nghiên cứu của nữ trí thức được ứng dụng vào thực tiễn.

Trong quan hệ quốc tế, Hội đã chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài. Việc trở thành thành viên của Mạng lưới các nhà Khoa học và Kỹ sư nữ khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APNN), thuộc tổ chức các nhà khoa học Công nghệ nữ quốc tế (INWEST), là một minh chứng rõ nét cho sự hội nhập quốc tế của Hội.

Chia sẻ về chủ đề của Hội nghị năm nay, GS.TS. Lê Thị Hợp nhấn mạnh: “Hội nghị lần này không chỉ là một diễn đàn để chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối để chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn, nơi mà phụ nữ được trao quyền và đóng góp hết mình vào sự phát triển của cộng đồng”.

Theo đó, tại hội nghị, hai phiên họp chuyên đề về sức khỏe, môi trường, và về giới, kỹ thuật và toán học sẽ mang đến những góc nhìn sâu sắc về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và sẽ đưa ra những giải pháp khả thi. Mặt khác, Hội nghị cũng sẽ đưa ra được những kiến nghị đích đáng đóng góp vào việc mở rộng mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nữ trong khu vực.

Tiếp lời GS.TS Lê Thị Hợp, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhận định: Thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ. Điều này đặt ra một thách thức to lớn, đặc biệt liên quan tơis các mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, Việt Nam và cả thế giới đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những ngày tháng 9 vừa qua, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trong khu vực đã phải hứng chịu tác động nghiêm trọng của bão Yagi, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Đáng chú ý, phụ nữ và trẻ em gái là những người chịu tác động tiêu cực hơn so với nam giới bởi họ chiếm tỷ lệ cao trong các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ sống dựa vào thiên nhiên nhưng lại thiếu kiễn thức và kỹ năng.

apnn3.jpg
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

Các nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, việc bình đẳng giới trong giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đảm bảo quyền con người mà còn giúp nâng cao hiệu quả công tác này.

Trong đó, lĩnh vực STEM chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu nhân lực, là trụ cột quan trọng cho sự phát triển. Trên thế giới, đã có nhiều nhà khoa học nữ nổi tiếng, tài năng với những những nghiên cứu, đóng góp làm thay đổi lịch sử nhân loại.

Tại Việt Nam, dù còn định kiến giới, phụ nữ đang dần khẳng định được vai trò của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đội ngũ các nhà khoa học nữ đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, với những công trình nghiên cứu đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, đất nước. Nhiều nhà khoa học, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi cá tổ chức quốc tế như UNESCO.

Thành tựu đó có được là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chủ trương, chính sách nhằm phát huy năng lực và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngoài ra còn có những chuyên đề về tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, mở ra cơ hội cho đội ngũ trí thức nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng có cơ hội phát huy năng lực, sức sáng tạo.

apnn-2.jpg
Bà Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế, phát biểu tại hội nghị

Cũng tại Hội nghị, bà Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế, và bà Juana Torrano Tapel, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cũng đã chào mừng các đại biểu tham dự sự kiện. Trong đó, cả 2 nữ chủ tịch đều đánh giá cao các nỗ lực và cam kết của phía Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của nữ giới trong đổi mới sáng tạo.

Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực
châu Á - Thái Bình Dương được thành lập năm 2011. Mạng lưới hiện có 15 thành viên thuộc 15 nước và vùng lãnh thổ là Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc), Myanmar, Indonesia, Singapore, Philipines và Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò nữ trí thức hướng tới phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO