Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước mã số BĐKH.05/16-20 thuộc Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.
Theo dự báo của ngành nông nghiệp, đến năm 2030, sản lượng lúa của Việt Nam có thể giảm khoảng 8,4%. Trong đó, giảm sản lượng do thiên tai chiếm 0,18%, do giảm sản lượng chiếm 8,1%. Mối lo ngại tập trung chủ yếu vào vùng ĐBSCL – vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm đến hơn 50% diện tích và sản lượng lúa.
Theo kịch bản phát thải thấp, nước biển dâng 11 cm vào năm 2020 và 65 cm vào năm 2100, diện tích đất lúa bị ngập tăng gấp đôi, từ 35.000 ha lên tới 70.000 ha. Kịch bản phát thải trung bình không có biến động lớn so với kịch bản phát thải thấp. Riêng ở kịch bản phát thải cao, vào năm 2020, nước biển dâng 12 cm sẽ gây ngập 37.000 ha đất lúa. Và đến năm 2100, nước biển dâng kỉ lục 100 cm sẽ khiến diện tích đất lúa bị ngập tăng đến 1,2 triệu ha, gấp 33 lần với năm 2020. Từ năm 2060, diện tích đất lúa ngập tăng lên rất nhanh, một phần do nước biển dâng độ nhanh hơn so với trước, một phần do diện tích đất lúa phân bố ở độ cao trên 35 cm khá lớn.
Giả định rằng, thiệt hại của ngành trồng lúa ĐBSCL do BĐKH nước biển dâng là do phần diện tích đất lúa 2 vụ bị ngập không thể gieo trồng được, và không có lợi nhuận từ cả 2 vụ trên phần diện tích này. Theo giá cố định năm 2009, lợi nhuận trung bình 12 triệu đồng/ha thì khi NBD 12cm, thiệt hại đối với ngành trồng lúa là trên 1 nghìn tỉ đồng/năm (chưa điều chỉnh theo lạm phát). Nếu NBD 1m, mức thiệt hại sẽ xấp xỉ 18 nghìn tỉ đồng/năm.
Thiệt hại kinh tế là rất lớn, và năng lực thích ứng của người dân sẽ có tác động quan trọng trong điều chỉnh các thiệt hại do BĐKH gây ra. Bởi, có đến 70% dân số ở ĐBSCL làm nông nghiệp và nguồn tri thức bản địa rất phong phú. Đa phần người lao động ở ĐBSCL là lao động trẻ, chủ yếu là độ tuổi từ 20 – 29, đúng độ tuổi sung sức nhất và sẵn sàng thực hiện các hoạt động ứng phó BĐKH.
Tuy vậy, trình độ dân trí trong vùng lại khá thấp và làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thông tin, điều chỉnh hành vi để thích ứng BĐKH. Qua khảo sát, chỉ có 71% người dân biết về BĐKH, với tần suất thông tin được nghe vài lần trên một tháng. Người nghèo biết về BĐKH ít hơn người giàu và rất nhiều người không hiểu nguyên nhân của BĐKH từ đâu.
Sản xuất lúa dù là thế mạnh của vùng nhưng năng suất lao động khu vực này chưa cao, chỉ số chuyên môn hóa trong ngành nông nghiệp thậm chí còn thấp hơn ngành dịch vụ. các kỹ thuật trồng lúa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu đời kết hợp với những chỉ dẫn của cán bộ địa phương về thời điểm gieo trồng, giống lúa, phân bón, tưới tiêu. NGười dan chưa thực sự linh hoạt trong sản xuất và chậm áp dụng các tiến bộ công nghệ thích nghi hoàn cảnh mới.
Ý thức được những hạn chế trong việc phát huy giá trị con người và tri thức cộng đồng trong ứng phó BĐKH, Nhà nước đã không ngừng đầu tư cho hoạt động giáo dục và liên tục nâng tỷ trọng trong tổng chi ngân sách thường xuyên những năm gần đây. Theo Đề án Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó BĐKH và công tác bảo vệ TN&MT, nội dung về BĐKH được đưa vào chương trình sinh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; lên chương trình hằng ngày cho các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về ứng phó BĐKH.
Theo các chuyên gia, việc tận dụng vốn xã hội tri thức bản địa giúp người dân thích ứng BĐKH, đầu tư vào giáo dục và nâng cao vai trò của các mạng lưới xã hội, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần được tiến hành song song với các giải pháp sử dụng năng lượng bền vững, giảm phát thải và phát triển nền kinh tế xanh. Trước mắt, đây vẫn là hoạt động phù hợp giúp nâng cao năng lực của người dân và sức chống chịu tổng thể của địa phương.