Ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), đơn vị thực hiện Dự án cho biết: Mục tiêu của dự án là đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, đáp ứng kịp thời về nguồn vật liệu san lấp và cát xây dựng cho các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu vực cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng biển Sóc Trăng có tiềm năng lớn về khoáng sản làm VLXD, nhưng chưa được thăm dò, khai thác sử dụng hiệu quả. Để phát huy lợi thế tiềm năng tài nguyên, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về VLXD phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng bước thay thế nguồn vật liệu trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, việc thực hiện Dự án là hết sức cần thiết, cấp bách, có vai trò tạo động lực để các dự án xây dựng trọng điểm trong vùng hoàn thành đúng tiến độ, sớm phát huy hiệu quả đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Các nội dung, tổ hợp phương pháp kỹ thuật đánh giá tiềm năng khoáng sản cát biển được xây dựng hợp lý, đảm bảo cơ sở khoa học, có tính kế thừa và phù hợp quy trình quy phạm kỹ thuật hiện hành. Dự án đã chú trọng mục tiêu nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ khai thác và sử dụng khoáng sản cát biển làm các loại VLXD khác nhau, cũng như đánh giá, dự báo tác động môi trường tại vùng biển khai thác và nơi sử dụng sản phẩm. Khối lượng các hạng mục công việc của Dự án được thiết kế bám sát mục tiêu nhiệm vụ, tiết kiệm, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tài nguyên đề ra.
Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đề nghị, Bộ TN&MT quan tâm tăng cường năng lực thiết bị điều tra địa chất khoáng sản biển, đặc biệt là giàn khoan biển và thiết bị lấy mẫu ống phóng rung (Vibrocorer) loại 6m hoặc 9m.
“Bộ TN&MT đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải sớm xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn sử dụng cát biển trong lĩnh vực giao thông; Bộ Xây dựng xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn sử dụng cát biển trong lĩnh vực xây dựng; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, VLXD nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản”, Liên đoàn kiến nghị thêm.
Tại cuộc họp, phần lớn các ủy viên đều nhất trí về tính cấp thiết của Dự án, đồng thời, cho rằng, Dự án đặt ra mục tiêu rõ ràng, đầy đủ và phù hợp với tiêu đề của Dự án. Theo ông Hoàng Văn Long - Viện Dầu khí Việt Nam, Ủy viên phản biện, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đã trình bày khá chi tiết các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của dự án hoàn toàn phù hợp với nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng trên bờ. Việc tìm kiếm, quy hoạch một khu vực có thể khai thác cát sỏi ngoài biển làm nguồn vật liệu san lấp có tính bền vững và khả thi là một giải pháp hợp lý, cần thiết phải triển khai ngay.
Góp ý cho Dự án, ông Nguyễn Phương - Đại học Mỏ - Địa chất, cũng là Ủy viên phản biện cho rằng, Liên đoàn cần nêu rõ cơ sở lựa chọn vùng điều tra đánh giá tài nguyên cát biển làm VLXD và san lấp, cơ sở tài liệu khoanh định 6 diện tích có triển vọng về cát biển và khoáng sản đi cùng (titan - zircon) trong các diện tích này.
Đồng thời, trình bày rõ hơn về cơ sở đưa ra mục tiêu tài nguyên 100 triệu m3 cát VLXD khu vực tuyến luồng cảng Trần Đề và 1 tỷ m3 cát biển ở cấp tài nguyên 333 (tài nguyên dự tính) tại vùng biển 20 - 30 m nước tỉnh Sóc Trăng…
Trên cơ sở báo cáo của đơn vị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đánh giá tổng thể tài nguyên cấp 333 (tài nguyên dự tính) của toàn bộ khu B1 (khu vực rộng khoảng 200km2, phần trong tuyến luồng cảng Trần Đề khoảng hơn 100km2) để sớm lựa chọn khu vực khai thác thuận lợi nhất (dọc theo tuyến nạo vét luồng rạch theo thiết kế của cảng Trần Đề) hoàn thành năm 2023, các diện tích khác và công tác nghiên cứu khác sẽ tiến hành vào năm tiếp theo.