Xã hội


Phát huy nguồn tài nguyên, thế mạnh, xây dựng Lào Cai phát triển xanh - bền vững

Bích Hợp (lược ghi) 07/02/2024 18:22

(TN&MT) - Xác định tài nguyên là nguồn lực và động lực để phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội, với những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp, Lào Cai quyết tâm thực hiện những đột phá chiến lược trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

trai-nghiem-thu-vi-khi-du-lich-sapa.jpg

Trong đó, đặc biệt ưu tiên chuyển dịch kinh tế nâu sang kinh tế xanh với những chiến lược tăng trưởng xanh phù hợp với định hướng phát triển mới. Đây là lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Lào Cai trở thành địa phương tiên phong về tăng trưởng xanh khu vực Tây Bắc, cũng như cả nước trên nền tảng khai thác và tận dụng tốt nguồn tài nguyên của mình.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo sở TN&MT Lào Cai và một số địa phương xung quanh vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai

Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường

anh-khai-giam-doc-so-tnmt-lao-cai.jpg
Ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai

Những năm gần đây, hoạt động khai thác tài nguyên tại Lào Cai dần đi vào nền nếp, góp phần vào sự ổn định và bền vững kinh tế cho địa phương. Song, Lào Cai vẫn tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động đấu giá, cấp phép, giám sát trách nhiệm của các đơn vị khai thác tài nguyên, vừa để bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phát triển xanh, bền vững.

Xác định quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự phát triển ổn định và bền vững, trong quá trình xem xét cấp phép, Lào Cai luôn ưu tiên các dự án khai thác gắn liền với chế biến sâu, có nhà máy trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ sạch, ít hoặc không tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường; gắn việc khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Công tác thu thuế được thực hiện trên cơ sở tài nguyên và giá trị tài nguyên của mỗi mỏ cụ thể để buộc doanh nghiệp tự chủ, tự cân đối thu tối đa nguồn tài nguyên nhằm tăng nguồn thu ngân sách địa phương và phát triển bền vững.

Ngành đã tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung, cụ thể hóa các quy định về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh Lào Cai. Tham mưu giải quyết các dự án về đất đai và các dự án liên quan tới môi trường, khai thác khoáng sản… Do đó, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, đất đai đã có những chuyển biến tích cực, thu hút các nhà đầu tư.

Thời gian tới, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển xanh hiệu quả, Lào Cai sẽ tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường, phòng tránh các sự cố, ô nhiễm môi trường. Việc tuân thủ các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường (thực hiện nghiêm túc các quy định, yêu cầu, biện pháp về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường) trong suốt quá trình triển khai dự án, thực hiện các phương án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ theo đúng quy định là yêu cầu tiên quyết để doanh nghiệp khẳng định sự quan tâm và có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng.

Toàn ngành TN&MT Lào Cai phấn đấu đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để nâng cao hiệu quả trong thực thi pháp luật, tạo chuyển biến rõ nét thực chất trên lĩnh vực ngành và phạm vi toàn tỉnh. Để mục tiêu phát triển nhanh, xanh, bền vững của Lào Cai nhanh chóng được hiện thực hóa.

Ông Nguyễn Trọng Huân - Chủ tịch UBND huyện Mường Khương

Làm tốt công tác bảo vệ môi trường và phát huy vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế xanh

anh-huan-tich-muong-khuong.jpg
Ông Nguyễn Trọng Huân - Chủ tịch UBND huyện Mường Khương

Huyện Mường Khương được biết đến là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước, với 23 dân tộc cùng sinh sống tại 16 xã, thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 56.460,27ha, trong đó: đất nông nghiệp có 48.943,53ha, chiếm 86,69%; đất phi nông nghiệp là 2.394,06ha, chiếm 4,24%; đất chưa sử dụng là 5.122,68ha, chiếm 9,07%.

Để phát triển kinh tế, huyện Mường Khương đưa ra mục tiêu là phát huy vai trò của đất đai để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nhiều loại cây trồng, vật nuôi tạo nên các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế.

Hiện tại, Mường Khương có vùng sản xuất chè 5.456ha, với sản lượng 30.394 tấn, giá trị sản lượng đạt trên 236,138 tỷ đồng. Vùng sản xuất dứa 1.640ha, sản lượng đạt 37.930 tấn, giá trị doanh thu đạt 170 tỷ đồng. Vùng sản xuất chuối diện tích được nâng lên 550ha, sản lượng đạt 18.000 tấn, giá trị đạt 126,98 tỷ đồng. Vùng sản xuất quýt 815ha, sản lượng thu hoạch đến nay đạt 5.350 tấn, giá trị đạt 103 tỷ đồng.

Về khoáng sản, Mường Khương tuy chỉ có 3 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng đã đóng góp thu ngân sách đạt 55,3%. Hàng năm, các mỏ có khả năng cung ứng 65.000m3 đá, 10.000m3 cát, sỏi vật liệu xây dựng cho thị trường, góp phần thúc đẩy hoàn thành một số chỉ tiêu về giao thông, xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm sức ép về giá cả vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Về công tác bảo vệ môi trường, Mường Khương đã tuyên truyền, khuyến khích, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Các phụ phẩm nông nghiệp, rác thải nông nghiệp được thu gom, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Khuyến khích xây dựng quy trình trang trại an toàn sinh học trong các trang trại chăn nuôi tập trung. Triển khai các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi sạch, hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi, quy hoạch chăn nuôi và đẩy mạnh quản lý nhà nước về môi trường trong chăn nuôi.

Huyện Mường Khương xác định công tác quản lý tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, nước và khoáng sản là nhiệm vụ hàng đầu, là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, quản lý, bảo vệ chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế xanh.

Ông Ngô Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng

Phát huy nguồn tài nguyên, xây dựng Bảo Thắng thành huyện đứng đầu về kinh tế và môi trường

anh-que-chu-tich-bao-thang.jpg
Ông Ngô Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng

Bảo Thắng là huyện vùng núi nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Lào Cai, với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho Bảo Thắng trong việc giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển các thế mạnh của huyện.

Nhờ có nguồn phù sa màu mỡ được bồi đắp ven 2 bên Sông Hồng, cùng với hệ thống sông, suối lớn nhỏ phân bố khắp các xã, thị trấn, đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và nước tưới cho sản xuất, phát triển hệ thống thủy lợi; xây dựng, phát triển nhà máy thủy điện; thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác trên địa bàn huyện Bảo Thắng.

Về khoáng sản, Bảo Thắng là vùng có cấu tạo địa chất phức tạp (so với các huyện vùng đồng bằng), tuy nhiên nơi đây lại là nguồn cung cấp khoáng sản lớn và đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng cung ứng cho nhu cầu trong và ngoài huyện; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện Bảo Thắng; đồng thời, cung cấp nguồn vật liệu tại chỗ phục vụ tích cực trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

Phát huy những giá trị sẵn có và với mục tiêu đưa Bảo Thắng trở thành huyện đứng đầu Lào Cai về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát triển xanh, thời gian qua, huyện Bảo thắng đã siết chặt công tác bảo vệ tài nguyên, đất đai, rừng, khoáng sản... đảm bảo khai thác sử dụng hiệu quả, đúng quy hoạch, kế hoạch, không để xảy ra các vụ việc vi phạm phức tạp. Tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, thu hút các nhà đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường.

Triển khai và nhân rộng những mô hình phân loại rác thải tại nguồn, mô hình thu gom xử lý, tái chế rác thải hữu cơ thành phân vi sinh... hay các dự án phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh bảo vệ phát triển rừng, thực hiện hiệu quả các đề án phát triển lâm nghiệp bền vững; kiêm quyết nói không với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan tới môi trường. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân việc Bảo Thắng trở thành huyện trọng điểm về kinh tế và là huyện phát triển xanh bền vững đã và đang dần trở thành hiện thực.

Ông Trần Trọng Thông - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên

Chủ động phát huy giá trị của tài nguyên, đưa Bảo Yên về đích nông thôn mới trong năm 2025

anh-thong-chu-tich-huyen-bao-yen.jpg
Ông Trần Trọng Thông - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên

Với nguồn tài nguyên dồi dào, là nơi có sông Hồng, sông Chảy chảy qua, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, Bảo Yên đã phát huy hiệu quả vai trò của tài nguyên đất, tài nguyên nước cho phát triển nông nghiệp. Hiện Bảo Yên tập trung phát triển các cây chủ lực gồm: Quế, chè và chuối. Mỗi ha trồng quế cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng, 1ha trồng chuối cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, 1ha trồng chè cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng. Các cây trồng này cơ bản đã mang lại đời sống tốt hơn cho người dân. Ngoài ra, Bảo Yên cũng phát triển một số cây ăn quả như bưởi, thanh long ruột đỏ, hồng không hạt với tổng diện tích 264,7ha. Những dự án nông nghiệp phát triển làm tăng giá trị sử dụng tài nguyên đất, nước, giúp người dân cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Bảo Yên cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản, hàng năm, ngành khoáng sản đóng góp khoảng 13 tỷ đồng vào ngân sách huyện, chiếm 10% tổng ngân sách huyện, ngoài ra, nguồn thu từ các công trình thủy điện hàng năm khoảng 17,5 tỷ, chiếm 13% tổng ngân sách huyện.

Huyện Bảo Yên đặt mục tiêu năm 2025 đưa Bảo Yên trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh Lào Cai và hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phát triển xanh với lợi thế sẵn có ngành nông - lâm nghiệp, trong đó chủ động trung phát huy vai trò của tài nguyên đất, tài nguyên nước để phát triển trồng rừng. Tuyên truyên, hướng dẫn người dân trồng rừng tại những diện tích nương không hiệu quả, không để đất bỏ trống, hướng dẫn khai thác lâm sản hợp lý gắn với phát triển các loại lâm sản ngoài gỗ (tre, măng, trâu, hồi…), lâm sản dưới tán rừng (dược liệu, cây lấy lá, lấy củ, lấy nhựa…). Song song với phát triển về số lượng, sẽ đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp, nông nghiệp thông qua chế biến, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, tạo ra các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường lâm sản, góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

Ngoài ra, Bảo Yên cũng đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường như: Tăng cường trồng cây phân tán dọc theo các tuyến kênh, mương, đường giao thông nhằm tăng khả năng che phủ đất, góp phần cải tạo môi trường đô thị cũng như khu dân cư nông thôn tập trung. Nâng cao kiến thức cho người dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuyên truyền khuyến khích vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Các phụ phẩm nông nghiệp, rác thải nông nghiệp cần được thu gom bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa

Phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên, đưa Sa Pa trở thành Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế

anh-dung-pho-chu-tich-thi-xa-sa-pa.jpg

Với độ cao trung bình khoảng 1.500m - 1.800m so với mực nước biển, Sa Pa là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hệ động, thực vật phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại, đặc biệt có nhiều loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo vệ. Trên dãy núi Hoàng Liên thuộc khu du lịch Sa Pa có những loại dược liệu quý, hiếm, là "mỏ" của loài gỗ quý. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc…

Thế mạnh về tự nhiên đã tạo điều kiện cho thị xã Sa Pa phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm... Phát triển du lịch ở Sa Pa đã có nhiều khởi sắc và trong những năm tới sẽ còn thay đổi theo hướng tích cực. Một Sa Pa vươn mình ra tầm cỡ quốc tế và xây dựng ngành du lịch phát triển như hiện nay, du lịch đã mang lại cơ hội để tăng nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Theo đó, năm 2022, thị xã đón trên 2,5 triệu lượt khách. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến với Sa Pa đạt 3.680.000/3.500.000 lượt, doanh thu từ khách du lịch là 12.707 tỷ đồng.

Thị xã đã tận dụng thế mạnh về đất đai, khí hậu để phát triển cây trồng, vật nuôi ôn đới. Phải kể đến như rau trái vụ, hoa địa lan, cá nước lạnh, nấm hương Sa Pa... là những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập cho người dân Sa Pa.

Để tiếp tục phát huy những tiềm năng lợi thế cho phát triển xanh, Sa Pa tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch Sa Pa mang tầm cỡ quốc tế. Hiện Sa Pa đã và đang có những kế hoạch lâu dài cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp “Sa Pa - điểm đến du lịch xanh”. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học…

Về môi trường, Sa Pa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải trong khu du lịch, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường; đồng thời đào tạo cho lao động những kiến thức về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, bền vững…

Ông Hoàng Đức Long - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lào Cai

Phát huy nguồn tài nguyên đất công để bứt phá trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư xanh

anh-long-giam-doc-van-phong-dang-ky-dat-dai-tinh-lao-cai.jpg

Khai thác hiệu quả quỹ đất công để bứt phá trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư xanh là một trong những cách làm mà Lào Cai đã và đang áp dụng.

Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như sự suy thoái của nền kinh tế, tuy nhiên nhờ có quỹ đất công mà tỉnh Lào Cai vẫn hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2020, mặc dù thị trường bất động sản trầm lắng do ảnh hưởng dịch bệnh, tuy nhiên các huyện, thị xã, thành phố cũng đã rất nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt. Cụ thể, năm 2020, tỉnh Lào Cai đã thu 1.982.210 triệu đồng từ thu hút đầu tư các dự án đất công của tỉnh để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021, tỉnh Lào Cai đã thu được 2.484.557 triệu đồng từ quỹ đất công. Năm 2022, thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh Lào Cai từ quỹ đất công là 2.020.072 triệu đồng và thu tiền thuê đất toàn tỉnh Lào Cai được 92.028 triệu đồng. Năm 2023, tổng thu đạt 1.230.643 triệu đồng, tiền thu thuê đất đạt 190.693 triệu đồng.

Như vậy có thể thấy, quỹ đất công đã tạo ra một lượng ngân sách đáng kể cho tỉnh Lào Cai, chiếm 20% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh. Do vậy việc bứt phát trong phát triển kinh tế - xã hội đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng của Tây Bắc là một tương lai gần.

Để phát huy vai trò của quỹ đất công trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, bám sát tình hình thực tế của địa phương, vận dụng một cách linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tạo quỹ đất. Đẩy nhanh công tác san tạo mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đối với quỹ đất trong kế hoạch đấu giá sẽ thu hút được các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, với phương châm “không đánh đổi kinh tế lấy môi trường”, tỉnh ưu tiên các dự án phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Đồng thời, Lào Cai cũng sẽ tăng cường công tác quản lý chặt chẽ quỹ đất công trên địa bàn, giải quyết triệt để những vướng mắc liên quan đến thửa đất quỹ đất công trước khi đưa vào kế hoạch đấu giá.

Phê duyệt giá đất cụ thể tại các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lào Cai sẽ trích đo địa chính các thửa đất nằm trong kế hoạch đấu giá tại các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục quản lý đất đai tỉnh Lào Cai sẽ xác định giá khởi điểm đấu giá đối với các thửa đất nằm trong kế hoạch đấu giá trên địa bàn.

Bích Hợp (lược ghi)

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nguồn tài nguyên, thế mạnh, xây dựng Lào Cai phát triển xanh - bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO