“Phao cứu sinh” cho người nghèo ở Đắk Nông

Phạm Hoài| 25/10/2022 14:59

(TN&MT) - Cùng với cải thiện nghề nghiệp cho người dân nghèo Đắk Nông, việc tạo điều kiện làm “sổ đỏ” ở đây được ví như phao cứu sinh thoát nghèo, bắt đầu từ an cư lạc nghiệp…

Đắk Nông là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống với gần 213.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 31% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhằm giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, tỉnh Đắk Nông đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân có đủ điều kiện để giúp họ yên tâm sản xuất.

13-1-.jpg

Bà Mai Thị Nhâm vui mừng cầm trên tay cuốn sổ đỏ được cấp cách đây hơn 4 năm

“Sổ đỏ” mang niềm hy vọng

Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình bà Mai Thị Nhâm sống tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong chuyển từ vùng quê Thanh Hóa vào Đắk Nông từ những năm 90. Theo bà Nhâm, thời điểm đó, điều kiện kinh tế khó khăn cộng với đời sống ở quê thiếu thốn nên gia đình khăn gói vào Nam với mong muốn phát triển kinh tế. Những ngày đầu, gia đình mua được một mảnh đất hơn 1ha trồng cà phê và chăn nuôi thêm để có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, do số tiền tích góp từ quê vào mua đất đã hết nên không có vốn để phát triển thêm. “Thời điểm đó, gia đình 4 miệng ăn nhưng có mình tôi đi làm nên khó khăn lắm. Trong khi đó, đất nhà mua lại chưa thể cấp sổ đỏ được nên không đi vay ngân hàng được” - bà Nhâm chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nhâm cho biết, qua nhiều năm chờ đợi và đi lại để làm các thủ tục, đến năm 2017, diện tích đất của gia đình cũng đã đủ các điều kiện để Nhà nước đo đạc phục vụ cho việc cấp mới sổ đỏ. Sau hơn 2 tháng, gia đình bà đã chính thức nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Gia đình tôi rất vui mừng và phấn khởi vì lần đầu tiên cầm trên tay quyển sổ đỏ hằng mơ ước. Từ đây, chúng tôi có thể toàn quyền sử dụng mảnh đất theo quy định của pháp luật. Sau khi có sổ, vì cần vốn làm ăn nên tôi và các con đã mạnh dạn đến ngân hàng làm các thủ tục vay một khoản tiền nhỏ tạo vốn làm ăn với mong muốn thay đổi cuộc sống”.

13-3-.jpg

Khu dân cư Đắk Plao thuộc huyện Đắk Glong đã “thay da đổi thịt” nhờ những chính sách cấp đất kịp thời của địa phương cho người dân

Nhờ vào nguồn vốn vay được, sau hơn 4 năm, gia đình bà Nhâm từ hộ nghèo đã thoát nghèo và đến nay đã có những thay đổi rất lớn về kinh tế. Hiện tại, gia đình đã xây được một ngôi nhà cấp bốn khang trang và mua thêm hơn 5 sào đất để trồng cà phê. Bà Nhâm tâm sự: “Nguồn vốn từ việc vay ngân hàng như phao cứu sinh gia đình tôi lúc khó khăn, tôi thật hạnh phúc vì được chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ cấp sổ đỏ”.

Gia đình bà Nông Thị Hằng, trú tại thôn Đắk Snao, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cũng là một hoàn cảnh thoát nghèo điển hình. Là đồng bào dân tộc Tày di cư từ Cao Bằng từ năm 2012, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ 1ha đất sản xuất nông nghiệp cùng 400m2 đất ở. Qua hơn 10 năm canh tác, gia đình đã tích lũy mua thêm 1ha và đang có thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng/năm. “Sau khi được bố trí đất ở và đất sản xuất, gia đình tôi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2018, sau khi tôi mua thêm 1ha đất, Nhà nước cũng thực hiện cấp sổ đỏ và tạo điều kiện cho chúng tôi canh tác, sản xuất” - bà Hằng xúc động tâm sự.

Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Ha, không riêng gì gia đình bà Nhâm, bà Hằng, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn sau khi được cấp sổ đỏ đã có điều kiện để vay vốn phát triển kinh tế. Hiện tại, việc rà soát và tiến hành các thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân đang được địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm đảm bảo tốt hơn công tác quản lý về đất đai, đồng thời, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Từng bước “gỡ khó” để ổn định cho dân

Ông Trần Nam Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, Đắk Glong là một trong những địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng vướng nhiều thủ tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Nguyên nhân do tình trạng di cư tự do kéo dài đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong quản lý nhân hộ khẩu, tiếp tục gây áp lực lên tài nguyên rừng. Phần lớn các hộ dân chưa được đưa vào vùng dự án đang xâm chiếm rừng, đất rừng đã được UBND tỉnh giao cho các công ty, doanh nghiệp và các đơn vị khác quản lý, bảo vệ. Vì vậy, việc sắp xếp, ổn định cuộc sống các hộ dân di cư tự do là vấn đề bức thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như “gỡ khó” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

13-2-.jpg

Để ổn định đời sống cho người dân di cư phát triển kinh tế, giúp địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đai gắn với quản lý dân cư, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy Đắk Nông thực hiện Kết luận tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/7/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai gắn với quản lý dân cư giai đoạn 2016 - 2020.

Tỉnh đã chủ động bố trí nguồn lực thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư dứt điểm các dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt và đã bố trí kinh phí; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân di cư tự do được bố trí, sắp xếp nơi ở và được nhập khẩu tại địa phương, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất và được hưởng các phúc lợi xã hội;

Đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện các dự án dân di cư tự do, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực đất đai, quản lý dân di cư tự do phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, với quyết tâm “không để ai phải ở lại phía sau” của toàn bộ hệ thống chính quyền từ cấp xã, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, địa phương đang rà soát, tiếp tục triển khai cấp đất cho người dân đủ điều kiện. Tiếp đến, thực hiện các thủ tục để người dân sớm có sổ đỏ, ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất, đồng thời, sổ đỏ cũng là tấm “giấy bảo hành” cho việc vay vốn phát triển kinh tế của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông đã và đang triển khai thực hiện đầu tư 12 dự án bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn được phê duyệt của các dự án là 1.436,969 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 1.194,459 tỷ đồng và nguồn vốn khác là 242,510 tỷ đồng. Qua triển khai thực hiện, từ năm 2016 đến tháng 7/2021, đã bố trí ổn định 4.448 hộ, trong đó, số hộ được bố trí ổn định tại các dự án tập trung là 4.185 hộ, số hộ được bố trí vào các dự án xen ghép là 263 hộ. Hiện tỉnh đang gấp rút rà soát các nguồn đất, nếu phù hợp, đúng quy hoạch, sẽ đo đạc cấp mới để người dân sớm ổn định cuộc sống, nhất là ở những vùng dân tộc thiều số điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Phương châm của Sở là khó đến đâu gỡ đến đó, quyết tâm gỡ khó và đồng hành cùng người dân để những tấm sổ đỏ thực sự trở thành những hạt mầm ấm no trên mảnh đất Đắk Nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phao cứu sinh” cho người nghèo ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO