Phân loại rác tại nguồn - từ cơ chế đến hành động: Cơ chế và lộ trình phân loại rác

Mai Chi| 21/10/2021 12:42

(TN&MT) - Phân loại chất thải tại nguồn là trong những hành động góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc làm này không hề dễ, nhiều địa phương đã dành cả thập kỷ để thực hiện nhưng kết quả không như kỳ vọng. Nhằm triển khai phân loại rác tại nguồn hiệu quả, Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình và huy động các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc.

Từ 1/1/2022 chất thải rắn sinh hoạt sẽ phải phân thành 3 loại

Hiện nay, các đô thị lớn trên cả nước, nhất là Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày thải ra một lượng rác rất lớn. Điều đáng nói là do không được phân loại từ nguồn, rác tái chế trộn lẫn với các loại rác khác nên có đến 80% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực lân cận.

Nhằm khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải còn cao, chủ yếu do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Luật BVMT 2020 đã quy định: Từ 1/1/2022) phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Dây chuyền phân loại rác.

Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH…

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Trả phí xử lý rác theo khối lượng

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, để khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, Luật BVMT 2020 đã quy định theo hướng ai xả nhiều CTRSH hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó, người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn người thực hiện phân loại. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.

Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra phương thức quản lý mới thông qua quy định CTRSH đã được phân loại phải chứa đựng trong các bao bì nhất định. Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Mức giá được tính toán theo căn cứ: Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới. Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn (gọi tắt là 3R) được triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn Hà Nội bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân là chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ.

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng là giải pháp hiện được nhiều quốc gia áp dụng và cho hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để áp dụng ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, do phải có các điều kiện “cần và đủ” về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hơn hết là ý thức của người dân còn hạn chế. Lường trước những khó khăn này, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ TN&MT đã đặt lộ trình từ nay đến 2025 là giai đoạn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hành động của người dân để theo thời gian, Luật sẽ phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống của người dân.

Việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Luật đề ra mốc thời gian này bởi xét theo thực tế, nếu áp dụng luôn phương thức tính phí mới, nhiều địa phương sẽ chưa có điều kiện thực hiện.

Bộ TN&MT cho biết, khi Luật chính thức áp dụng sẽ có những Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể để Luật được thể hiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, phải mất cả chục năm mới áp dụng được yêu cầu này. Do đó, ngay lúc này rất cần sự đồng thuận của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, người dân và doanh nghiệp để triển khai. Các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hình thành thói quen hữu ích này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân loại rác tại nguồn - từ cơ chế đến hành động: Cơ chế và lộ trình phân loại rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO