Khoáng sản

Phá đấu giá

Việt Hải 26/12/2023 - 11:24

(TN&MT) - Luật Khoáng sản 2010 bổ sung quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tiếp đó, Nghị định 22 quy định một số điều của Luật khoáng sản và Nghị định 158 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 22 cũng tập trung làm rõ hơn vấn đề này.

Xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản mới đây, những người làm luật và cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia, các nhà quản lý đều cho rằng, cần thiết quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn nội dung đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Mục tiêu mà những người xây dựng Luật và cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản hướng tới nhằm xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch hóa công tác quản lý khoáng sản, để khoáng sản và hoạt động khoáng sản phải phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển đất nước, công bằng lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp thông qua minh bạch hóa quản lý thông tin mà đấu giá được cho là giải pháp mạnh.

Thế nhưng, như một số chuyên gia từng nói, không ai dám chắc về sự hoàn hảo tuyệt đối của một bộ luật nào. Độ vênh giữa tính nguyên tắc của luật với sự vận động của thực tiễn cuộc sống sẽ ít nhiều tạo kẽ hở và những quy định về đấu giá trong khai thác khoáng sản cũng không nằm ngoại lệ. Phá đấu giá hay né đấu giá là ví dụ điển hình.

thancaoson-1655249980625.jpg

Mới đây, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã phải trực tiếp chỉ đạo rà soát lại các vấn đề liên quan đến vụ đấu giá 3 mỏ cát trên địa bàn Hà Nội có giá đưa ra cao gấp trăm lần giá khởi điểm ban đầu.

Có nhiều giả thiết đặt ra xung quanh sự việc 3 mỏ cát ở Hà Nội vừa được đấu giá thành công với mức cao gấp cả trăm lần giá khởi điểm, và giả thiết nào cũng mang đến lo ngại cho xã hội. Giả thiết đầu tiên là trữ lượng các mỏ được đánh giá không sát thực tế. Với đặc điểm nằm bên dưới lòng sông, việc đo đạc, đánh giá, ước tính trữ lượng cát không phải dễ dàng. Chỉ cần tác động nhỏ, dù chủ quan hay khách quan, con số có thể thay đổi nhanh chóng. Nếu giả thiết này xảy ra, Nhà nước sẽ bị thất thoát nguồn khoáng sản.

Giả thiết tiếp theo là đấu giá ảo rồi bỏ cọc. Sẽ phải chờ đợi thêm diễn biến sự việc mới có thể kết luận nhưng thật khó để không nghi ngờ, vì kết quả khảo sát cho thấy giá cát làm vật liệu xây dựng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận chỉ trên dưới 100.000 đồng/m3, đã bao gồm chi phí vận chuyển đến chân công trình. Trong khi đó, giá trung bình mỗi mét khối cát còn nằm tại 3 mỏ vừa đấu giá thành công cao nhất tới 800.000 đồng/m3, thậm chí chưa bao gồm chi phí khai thác và vận chuyển.

Việc thổi giá này khiến người ta liên tưởng tới chiêu trò “Tằm ăn dâu”, hiểu nôm na là các doanh nghiệp sau khi được cấp phép khai thác mỏ cát sẽ từng bước khai thác lấn sang phạm vi các vùng được cấp phép khai thác hợp pháp, mỗi ngày lấn một ít, sau một năm nhìn lại thì phạm vi khai thác đã lớn gấp nhiều lần “vùng lõi” hợp pháp.

Việc này đã xảy ra ở nhiều địa phương, gần như được ngầm hiểu là điều đương nhiên nhằm lấy số lượng bù đắp cho trữ lượng mỏ cát có hạn. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp đua nhau đẩy giá quyền khai thác cát lên hàng chục, hàng trăm lần so với giá khởi điểm.

Trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép trên địa bàn các tỉnh, thành phố... Một số doanh nghiệp đã sử dụng các thiết bị để múc cát ngoài vị trí, ranh giới mỏ, quá khung thời gian quy định; khai thác vượt công suất giấy phép; không duy trì hoạt động của trạm cân, hệ thống camera giám sát, lập sổ sách, hóa đơn, chứng từ mua, bán không đầy đủ; kê khai nộp thuế về khai thác, kinh doanh khoáng sản không đúng sản lượng được cấp phép… Thực trạng này không thể không liên quan đến chiêu trò phá đấu giá đã từng diễn ra trước nay.

8-2-.jpg

Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đang được xây dựng đã bổ sung, làm rõ hơn quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định rõ điều kiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Hy vọng với tầm nhìn của Dự thảo Luật và các bộ luật liên quan sẽ tạo hành lang pháp lý kiềm chế, hạn chế hành vi trục lợi khoáng sản thông qua các chiêu trò mà phá đấu giá là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, luật pháp suy cho cùng vẫn chỉ là công cụ, điều quan trọng nhất là người thực thi pháp luật không tự tay “phá” các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của mình hoặc tiếp tay, làm ngơ cho các đối tượng né luật, phá quy chuẩn của luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá đấu giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO