Petrovietnam tổ chức tọa đàm phát triển dài hạn về phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon

PV| 29/04/2022 15:27

Vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến phát triển dài hạn về phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon tại Việt Nam.

Cam kết đưa mức thải ròng về 0

Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phát thải khí CO2 từ ngành năng lượng toàn cầu đã tăng 6% trong năm 2021 lên mức 36,3 tỷ tấn - mức cao nhất từ trước tới nay. Theo IEA, năm ngoái, thế giới đã ghi nhận kỷ lục mới về lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng than tăng cao.

2916e330f168e7ac5ad27425627a23a0.jpg
PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Giảng viên cao cấp Khoa Năng lượng Nhiệt, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)

Cũng theo IEA, có tới 40% tăng trưởng phát thải CO2 đến từ than đá, chiếm mức cao nhất mọi thời đại là 15,3 tỷ tấn khí CO2. Một phần nguyên nhân của điều này là do giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục 7,5 tỷ tấn, dẫn đến các quốc gia đốt nhiều than đá hơn để sản xuất điện. Trong khi đó, phát thải từ dầu mỏ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch do khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến giao thông vận tải cho đến năm 2021, cụ thể là lĩnh vực hàng không.

Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng cao ở châu Âu và Mỹ cũng góp phần vào sự gia tăng phát thải CO2 trên thế giới, do nó thúc đẩy việc sử dụng than đá trong sản xuất điện nhằm thu được lợi nhuận cao hơn. Theo IEA việc chuyển đổi từ khí đốt sang than đá đã khiến lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực sản xuất điện trên thế giới tăng hơn 100 triệu tấn, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu, nơi trải qua sự cạnh tranh gay gắt nhất giữa các nhà máy điện khí và điện than.

Về nội dung cam kết quốc gia về trung hòa carbon, hiện nay có 137 quốc gia đã thực hiện cam kết, Buhutan và Suriname là 2 quốc gia đã đạt được trung hòa carbon và phát thải âm. Trung Quốc, Mỹ, EU và Ấn Độ là 4 nền kinh tế phát thải lớn nhất và được xem là chìa khóa để hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26, cả Mỹ và EU đều "đưa ra những lời hứa mới" khi đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 2005.

Tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Về cam kết này, PGS.TS Phạm Hoàng Lương nhận định, cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết

“Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cacbon thấp”, chuyên gia Phạm Hoàng Lương nói.

747481d70445820f3a3cf1f8d705c776.jpg
Đại diện các Ban chuyên môn Tập đoàn tham dự tọa đàm

Quy hoạch điện VIII: Kiên định mục tiêu giảm tác động đến môi trường

Một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm hiện nay đó là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Hội đồng thẩm định Quy hoạch Điện VIII thông qua dự thảo. thể hiện sự thống nhất cao với các chỉ tiêu chính của Quy hoạch Điện VIII, đặc biệt vấn đề tổng công suất đặt, cơ cấu nguồn điện, chủ trương và lộ trình chuyển đổi năng lượng và việc phân bổ nguồn điện tại các vùng miền, đặc biệt vấn đề hiệu quả kinh tế tổng hợp (giảm chi phí đầu tư cho nguồn và lưới điện). Những yếu tố này sẽ góp phần ổn định giá điện ở mức phù hợp, hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Quy hoạch điện VIII đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại: tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án trước. Nếu giữ nguyên như trước thì mức đầu tư sẽ lớn, dàn trải. Điểm tồn tại nữa mà quy hoạch lần này đã khắc phục là cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo

Với tư cách là thành viên trong Hội đồng thẩm định, PGS.TS Phạm Hoàng Lương cho rằng việc cập nhật cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII mở cơ hội cho điện gió. Tuy nhiên, Việt Nam cần sớm quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2045 về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và năng lượng đại dương một cách bền vững.

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch, trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy hoạch điện trước đó, phát huy hài hòa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tổng thể cân đối chung.

901da04785bdb1f3b2b5a27d8159c123.jpg
Ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Tập đoàn thảo luận tại tọa đàm

Có thể khẳng định Quy hoạch điện VIII là bước đi đầu tiên thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia, được Bộ Công Thương tổ chức theo nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019.

Đồng thời cũng khẳng định quyết tâm chung thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện khoảng 400.000 MW.

Trong Quy hoạch, đã tính toán phương án thay thế đối với các dự án điện than, các dự án điện khó triển khai thực hiện,... Quy hoạch lần này cũng cơ bản đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền; cân đối giữa các nguồn điện để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, trên cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời duy trì các nguồn điện khác. Đồng thời "mở" cho các nguồn nguyên liệu mới như hydro, amoniac... trong các nhà máy nhiệt điện góp phần giảm phát thải CO2 giảm dần về mức 40 triệu tấn vào năm 2050, giảm đáng kể quy mô nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, tăng cường an ninh cung cấp điện và giảm nhẹ gánh nặng nhập khẩu…

Petrovietnam đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch năng lượng

Tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Hoàng Lương cũng đã có những giải đáp liên quan đến thực trạng, giải pháp của Petrovietnam trong việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh; mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh; hiện thức hoá cam kết của Chính phủ tại COP26, giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Quy hoạch điện VIII, công tác kiểm kê khí thải từ các hoạt động dầu khí, giải pháp công nghệ thu giữ và lưu trữ Carbon dioxide, tính khả thi của amoniac xanh giải pháp giúp nhân loại có thể đạt mục tiêu ‘net - zero’ vào năm 2050 theo như Thỏa thuận Paris…

Có thể thấy, thời gian qua thực hiện chương trình chống biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Petrovietnam đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp chiến lược Chuyển đổi Năng lượng xanh nhằm chuyển đổi các hoạt động và chuỗi giá trị của Petrovietnam theo hướng tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí, cũng như mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thu giữ, sử dụng và lưu trữ cacbon; phát triển công nghiệp khí hydro và phát triển điện gió ngoài khơi.

Kết luận các nội dung tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Hoàng Lương đánh giá, chuyển dịch năng lượng từ một hệ thống lệ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỷ trọng lớn của các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng. Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” với 3 mục tiêu chính: an ninh năng lượng, cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Với Petrovietnam nói riêng, PGS.TS Phạm Hoàng Lương đánh giá rất cao Chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn giai đoạn 2021 -2025 đã thể hiện cam kết của 1 tập đoàn quốc gia trong việc đồng hành cùng chính phủ thực hiện thành công Chuyển dịch năng lượng Việt Nam. Bên cạnh đó, ở phạm vi hợp giữa tác giữa trường Đại học Bách Khoa và Tập đoàn/các đơn vị thành viên ở lĩnh vực Hóa – Chế biến dầu khí và lĩnh vực Điện và Năng lượng tái tạo sẽ tạo tiền đề khoa học công nghệ nhằm cụ thể hóa cam kết của Tập đoàn giai đoạn trung và dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam tổ chức tọa đàm phát triển dài hạn về phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO