Petrovietnam “ngược dòng” thách thức, khẳng định bản lĩnh dẫn đầu
Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề bởi các đợt suy thoái diễn ra trên diện rộng. Không nằm ngoài vòng xoáy, song Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thực hiện những cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, xuất sắc hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra an toàn, ổn định, góp phần quan trọng bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Khó khăn thách thức bủa vây trong vòng hai năm kể từ sau đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đã phải trải qua một đợt suy thoái trên diện rộng, thực tế tình hình vĩ mô, thị trường đều khó khăn hơn rất nhiều so với dự báo. Năm 2022, sản xuất tiếp tục thu hẹp, nhu cầu thị trường giảm mạnh; lạm phát cao hơn mức đã thấy trong vài thập kỷ gần đây, khiến các quốc gia trên thế giới thắt chặt tín dụng thông qua nâng lãi suất. Năm 2023, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gia tăng gay gắt; lạm phát tuy hạ nhiệt những vẫn neo ở mức cao; hàng rào bảo hộ gia tăng; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ, nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực hiện hữu. Ở trong nước, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tuy nhiên giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng đã buộc Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng trần lãi suất và tỷ giá để kiểm soát lạm phát. Thị trường chứng khoán lao dốc, thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, các rủi ro trên thị trường vốn,… tiếp tục ảnh hưởng ngày càng sâu sắc hơn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu như năm 2022, cả nước có khoảng 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thì sang 2023, con số này tăng lên 20,5% với 172.600 doanh nghiệp phải đóng cửa, tức bình quân một tháng có gần 14.400 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
Bên cạnh những khó khăn chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính đặc thù còn chịu tác động bởi hàng loạt những khó khăn khác: Bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường, huy động khí, huy động điện khí rất thấp và liên tục giảm đã tác động đến hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; Nhập khẩu xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm trong nước trong khi nhu cầu chưa cải thiện, làm tồn kho tăng; Vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế mua - cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tác động đến hiệu quả kinh doanh cũng như tạo ra các rủi ro cho các dự án điện, khí LNG. Cùng với đó, đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí sau thời gian dài khai thác ngày càng lớn, trong khi dư địa tăng sản lượng khai thác ngày càng thu hẹp, các dự án mới có cơ hội đầu tư thêm hạn chế, đặc biệt là những biến động về tỷ giá đã tác động bất lợi đến hoạt động của Petrovietnam…
Liên tiếp đạt kỷ lục tăng trưởng
Ý thức vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động dự báo tình hình, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp quản trị điều hành, đặc biệt là công tác quản trị biến động, điều hành linh hoạt, phát huy vai trò các chuỗi giá trị, Petrovietnam đã thực hiện những cú “lội ngược dòng” xuất sắc, hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động SXKD diễn ra an toàn, ổn định, góp phần quan trọng bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong 2 năm đầy khó khăn, thách thức.
Năm 2022, tất cả chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 05 lĩnh vực của Petrovietnam đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3-26%, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 921,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển.
Petrovietnam đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tương đương gần 9,8% GDP cả nước và Nộp NSNN chiếm tỷ trọng 9,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Các nhà máy lọc dầu của Petrovietnam được vận hành tối đa công suất, đáp ứng trên 75% nhu cầu xăng dầu cả nước, góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường.
Cũng trong năm 2022, nhiều dự án điện chậm tiến độ, gặp khó khăn tích tụ từ nhiều năm trước đã được khởi động lại và “hồi sinh” như Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng tái khởi động dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1. Đây đều là những dự án nguồn điện trọng điểm, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong những năm sắp tới.
Năm 2023, Petrovietnam tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào vận hành an toàn, hoạt động với công suất cao Nhà máy điện Thái Bình 2 đúng thời điểm nhu cầu phụ tải điện cả nước tăng cao. Sản lượng điện toàn Tập đoàn đạt 23,07 tỷ KWh, tăng 31% so với năm 2022. Các nhà máy đạm hoạt động từ 114- 115% công suất. Sản lượng đạm sản xuất đạt 1,76 triệu tấn, trong đó sản lượng đạm hạt đục đạt 950 nghìn tấn - mức kỷ lục kể từ khi Petrovietnam có tấn sản phẩm đạm hạt đục đầu tiên. Các nhà máy lọc dầu hoạt động 105 - 112% công suất; sản xuất xăng dầu đạt 7,36 triệu tấn - mức kỷ lục cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại, vượt con số kỷ lục năm 2022 đã thiết lập.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm và vượt 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022, tương đương 9,2% GDP cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch năm, chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023.
Cũng thời gian này, các “nút thắt, điểm nghẽn” trong đầu tư của Petrovietnam lần lượt được cấp thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn đọng kéo dài tại các dự án trọng điểm giúp hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ, như Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành từ 27/4/2023; Kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn vận hành từ ngày 30/7/2023; đưa vào hoạt động 04 mỏ/công trình dầu khí mới sớm hơn so với kế hoạch 11 ngày đến 2 tháng. Đặc biệt, Petrovietnam đã tái khởi động và ký kết thành công các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn sau nhiều năm gián đoạn, mở ra giai đoạn phát triển mới cho dự án dầu khí trọng điểm quốc gia, đáp ứng quan trọng nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Trước những khó khăn, thách thức lớn hơn mọi dự báo, Petrovietnam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, với “quản trị biến động” là yếu tố trọng tâm. Trong đó, tập trung vào tối ưu quản trị, ứng dụng công nghệ để nâng cao công suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tiếp tục thực hiện các giải pháp kỹ thuật, tối ưu công tác khoan thăm dò, khai thác trong lĩnh vực E&P, tập trung công tác đầu tư, báo cáo cấp thẩm quyền tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong hoạt động đầu tư.
Với những giải pháp đồng bộ được triển khai hiệu quả, xuyên suốt và thống nhất trong toàn hệ thống, đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần đoàn kết, sức mạnh, bản lĩnh của gần 6 vạn người lao động Dầu khí, Petrovietnam đã đảm bảo duy trì vận hành khai thác các công trình, nhà máy ổn định, an toàn, đạt công suất cao, từ đó hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ được được giao, liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về sản xuất kinh doanh trong lịch sử 62 năm truyền thống ngành Dầu khí. Những kết quả đạt được một lần nữa giúp Tập đoàn thêm củng cố niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và người lao động dầu khí về vị trí, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong thành công chung với những kết quả khá toàn diện của cả nước năm 2023, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhất là về thu ngân sách, bảo đảm an ninh, cân đối lớn về năng lượng, xăng dầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập…
Cùng với việc đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được Petrovietnam coi trọng. Đây là một hoạt động quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài, bền vững và gắn với bốn giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, là trách nhiệm, tình cảm của những người lao động Dầu khí đối với cộng đồng, với xã hội. Hằng năm, ngay cả trong những giai đoạn SXKD gặp nhiều khó khăn, Petrovietnam vẫn duy trì kinh phí thực hiện công tác an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong cả nước. Petrovietnam luôn phấn đấu ủng hộ cho hoạt động an sinh xã hội năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2021, Tập đoàn ủng hộ 350 tỷ đồng; năm 2022 ủng hộ 500 tỷ đồng; năm 2023 ủng hộ 750 tỷ đồng và năm 2024 dự tính ủng hộ trên 750 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội.
Những nỗ lực của Petrovietnam và các kết quả đạt được trong mọi hoạt động là minh chứng không thể phủ định Petrovietnam có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt là trong những năm nhiều khó khăn, biến động của nền kinh tế vừa qua, Petrovietnam đã làm tốt nhiệm vụ khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh chủ quyền quốc gia; xứng đáng với niềm tin và những trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.