Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Khôi Nguyên 13/05/2024 - 21:21

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang nỗ lực vận dụng tất cả năng lực, kinh nghiệm, tiềm năng sẵn có để chung tay cùng Chính phủ Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua hàng loạt các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động của mình.

03.jpg

Kiểm soát giảm phát thải khí nhà kính

Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay. Đây cũng là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam cũng đã công bố các mục tiêu giảm phát thải.

Số liệu của Petrovietnam cho thấy, phát thải khí nhà kính giai đoạn 2018 - 2022 của Petrovietnam khoảng 20 triệu tấn CO2tđ/năm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực điện (53,5%), tiếp theo là lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí (22,22%) và lĩnh vực chế biến dầu khí (15,5%). Phát thải dự kiến sẽ tăng sau khi triển khai vận hành các dự án mới như nhà máy điện, nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu và khai thác các mỏ dầu khí có hàm lượng CO2 cao.

Từ năm 2019 đến nay, Petrovietnam đã triển khai đồng bộ thực hiện kế hoạch giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đơn vị. Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được cập nhật hằng năm, tập trung chủ yếu vào các nhóm giải pháp giảm đốt khí đồng hành, tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và sử dụng năng lượng tái tạo. Năm 2022, các giải pháp giảm phát thải đã thực hiện giảm được khoảng 0,58 triệu tấn CO2, trong đó chủ yếu là giải pháp vận hành thu hồi khí đồng hành trong khai thác dầu khí, sử dụng khí permeate cho sản xuất đạm và tiết kiệm năng lượng. Hiện Tập đoàn đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết mới của Việt Nam.

cum-gian-khai-thac-mo-rang-dong-220240504184040(1).jpg
Dự án áp dụng công nghệ nâng cao thu hồi dầu mới lần đầu tiên được áp dụng và mang lại hiệu quả cao tại mỏ Rạng Đông

Dự kiến, đến năm 2025, Petrovietnam sẽ cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010. Giai đoạn 2031 - 2050, kế hoạch của Petrovietnam là sẽ triển khai các giải pháp “xanh hóa" các nhà máy điện than, các dự án công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon (CCS/CCUS); tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch như hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” có tính khả thi; phát triển chuỗi giá trị thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” trong nước và hướng tới tham gia thị trường khu vực, thế giới; triển khai chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải biển.

Theo đánh giá, lượng phát thải trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng. Điều này đạt được là do các hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất của Petrovietnam hiện đại so với mặt bằng chung của ngành năng lượng Việt Nam.

Hành động chuyển đổi xanh

Thực hiện chương trình chống biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, các đơn vị thành viên của Petrovietnam đang nỗ lực nghiên cứu, áp dụng các giải pháp chiến lược chuyển đổi xanh.

kho-cang-pvgas.jpg
Kho cảng LNG Thị Vải

Là đơn vị chủ lực của ngành công nghiệp khí của Petrovietnam - PV GAS đã xây dựng, triển khai lộ trình chuyển dịch năng lượng với những định hướng chính bao gồm nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất; phát triển các dự án nhập khẩu LNG theo hình thức các "Hub nhập khẩu" kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các loại nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí; nghiên cứu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng hiện hữu và đầu tư các hạ tầng mới…

khi1.jpg
Hệ thống thu gom khí hydrocarbon của Vietsovpetro.

Vietsovpetro (VSP) cũng nghiên cứu thiết kế và thi công lắp đặt hệ thống thu hồi khí hydrocarbon từ hệ thống van thở của FSO tại Vietsovpetro. Hệ thống bao gồm một bình tách, làm sạch các tạp chất trong khí thu gom trước khi đi vào máy nén; bộ trao đổi nhiệt Gas-Gas; bộ trao đổi nhiệt khí; bình tách dùng để tách lỏng và khí sau khi ra khỏi bộ trao đổi nhiệt; bộ filter lọc khí, lọc đến 99% các hạt chất rắn có kích thước lớn hơn 2 micromét; hệ thống thông gió và thoát nước; đường nhiên liệu cung cấp khí đốt cho lò hơi trên FSO. Việc nghiên cứu và sử dụng hiệu quả khí hydrocarbon từ hệ thống van thở FSO của Vietsovpetro không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Hiệu quả kinh tế của giải pháp cho giai đoạn 2016 - 2017 là 7.179.700 USD (tương đương 166,712 tỷ đồng).

be890e464fb5faed70635978b56a2729.jpg
Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc nhóm số ít nhà máy đạt tiêu hao năng lượng thấp nhất toàn cầu từ Haldor Topsoe.

Tại Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC) sau những cải tiến đã đạt được thành công về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Dự án thu hồi CO2 từ Permeategas và Flash gas là các dự án điển hình, đã giúp tiết kiệm năng lượng hơn 600.000 GJ/năm và thu hồi hơn 40.000 tấn CO2/năm để phục vụ sản xuất urea, qua đó giúp giảm tổng phát thải khoảng 80.000 tấn CO2/năm. Bên cạnh đó, PVCFC ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất xanh bền vững, giảm lượng sử dụng phân bón hóa học, qua đó giảm lượng khí nhà kính, sản xuất các dòng phân bón hiệu quả cao theo các công nghệ Bio-Coating, công nghệ phức hợp Humate, công nghệ sinh học và công nghệ cao, công nghệ phân bón nhả chậm (CRF và SRF), công nghệ BioMix…

29713504-cc80-4444-a568-8ca1125073c720230508082215.jpg

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng đặt ra lộ trình giảm phát thải ròng đến năm 2030 giảm 20%, năm 2040 giảm 50% và Net Zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, PVEP đã đề ra các giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải trực tiếp từ các công trình hiện hữu, phát triển các dự án CCS/CCUS, mở rộng năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp, tối ưu hóa việc sử dụng bù đắp carbon trên cơ sở trồng rừng… Trong đó, giải pháp được PVEP quan tâm trong kế hoạch dài hạn là CCS - thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó vận chuyển đến các điểm lưu giữ lâu dài. CCS (công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon) được xem là một trong các biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp dầu khí.

pv-power-tung-buoc-xanh-hoa-20240424102423.jpg
Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2

Với đặc điểm của các nhà máy điện là sử dụng lượng nhiên liệu rất lớn và lượng phát thải khí nhà kính cũng rất lớn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đặc biệt tập trung tìm giải pháp giảm thiểu phát thải hiệu quả. PV Power định hướng ưu tiên và khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các loại nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế và các công nghệ giảm thiểu phát thải tiên tiến khác để kịp thời đáp ứng chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải ròng của Chính phủ.

Từ nay đến năm 2030, PV Power đề ra 12 giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện tại các nhà máy điện và dự kiến sẽ giảm thiểu được 160.884 tấn CO2e trong giai đoạn 2018 - 2025 và 72.150 tấn CO2e trong giai đoạn 2026 - 2030. Các giải pháp đa phần thuộc giải pháp tiết kiệm, giảm thiểu năng lượng sử dụng trong sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời.

Những nỗ lực của Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã góp phần không nhỏ trong thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; thể hiện sự đồng hành của một tập đoàn năng lượng quốc gia trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện thành công Chuyển dịch năng lượng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO