Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam: Chủ động nghiên cứu công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ các-bon

Hằng Thương 27/09/2023 - 15:32

Thu hồi và lưu trữ các-bon vào các mỏ dầu khí đã hết tuổi đời khai thác là một hướng đi quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hiện nay, các mỏ dầu khí đã hết hạn khai thác có tiềm năng lớn có thể lưu giữ khí thải CO2, cũng như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Để tận dụng các mỏ dầu khí cạn kiệt cho mục tiêu lưu trữ CO2, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên đã và đang chủ động nghiên cứu công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ các-bon (CCS/CCUS).

Ngành dầu khí có nhiều tiềm năng, lợi thế

Theo nhận định từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế: Đến năm 2030, cần khoảng 1,6 tỷ tấn CO2 được thu giữ mỗi năm và con số này sẽ tăng lên thành 7,6 tỷ tấn vào năm 2050. Trong đó, 95% lượng CO2 bị thu giữ này nên lưu trữ trong kho địa chất vĩnh viễn và 5% còn lại được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc cho các mục đích khác.

anh-bai-pvn.jpg
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn tiếp đoàn công tác của Cơ quan An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC)

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lưu trữ CO2, số liệu nghiên cứu của Viện Năng lượng và Viện Dầu khí Việt Nam cho thấy, có 34 mỏ dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam có thể lưu trữ CO2. Nếu chỉ xét đến các mỏ có tiềm năng lưu trữ lớn hơn 10 triệu tấn CO2, thì có mỏ Cửu Long, Mã Lai - Thổ Chu, Nam Côn Sơn, Sông Hồng, với mỏ lớn nhất là hơn 300 triệu tấn CO2. Khả năng lưu trữ này sẽ khả dụng khi các mỏ cạn kiệt, hoặc khi thực hiện gia tăng thu hồi dầu (CO2 - EOR). Các mỏ dầu và khí đốt là những lựa chọn lưu trữ hàng đầu vì khả năng giúp bù đắp chi phí lưu trữ khi sản lượng dầu và khí đốt tăng lên.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng khai thác dầu khí hiện có cũng có thể được sử dụng để vận chuyển CO2. 10 địa điểm lưu trữ được xếp hạng hàng đầu có sức chứa từ 23 đến 357 triệu tấn CO2. Dựa trên các nguồn phát thải 2 - 5 triệu tấn hàng năm trong vòng 20 năm, sản lượng tích lũy sẽ là từ 40 đến 100 triệu tấn CO2.

Tại Hội thảo "Xu thế phát triển thị trường các-bon, đánh giá tác động và đề xuất lộ trình/giải pháp giảm khí nhà kính cho Petrovietnam" vừa mới diễn ra, Petrovietnam đã đưa ra thông tin, hiện nay, lĩnh vực điện và công nghiệp phát thải lần lượt 136 và 88 triệu tấn/năm. Tiềm năng lưu giữ CO2 ở các bể trầm tích là 186 triệu tấn, đủ để lưu giữ CO2 phát thải trong 831 năm. Đây là cơ sở để tích cực triển khai các dự án thu hồi, sử dụng, lưu trữ các-bon (CCS/CCUS) trong tương lai nhằm bảo đảm thực cam kết trung hòa các-bon trong Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm 2023…

anh-petrovietnam.jpg
Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu để triển khai CCS/CCUS hiệu quả

CCUS là thu giữ, sử dụng và lưu trữ các-bon. CCS là công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon; đó là quá trình thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó được vận chuyển tới các điểm lưu giữ an toàn, lâu dài như các cấu tạo địa chất sâu dưới lòng đất, lòng biển... CCS bao gồm 3 khâu chính: Thu hồi, vận chuyển và lưu trữ các-bon.

Chủ động nghiên cứu, triển khai CCS/CCUS

Thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tham gia, đóng góp vào các nỗ lực chung của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Petrovietnam đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp chiến lược Chuyển đổi năng lượng xanh nhằm chuyển đổi các hoạt động và chuỗi giá trị của Petrovietnam theo hướng tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí, cũng như mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon; phát triển công nghiệp khí hydro và phát triển điện gió ngoài khơi.

Nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển CCS, Petrovietnam và các đơn vị như VPI, Vietsovpetro, PVEP… đã tích cực phối hợp với các đơn vị như Cơ quan An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC), Tổng công ty Thăm dò Dầu khí JX Nippon (JX-NOEX) thực hiện “Nghiên khả thi áp dụng gia tăng thu hồi dầu sử dụng CO2 (CO2 - EOR) tại mỏ dầu Rạng Đông (Lô 15; thử nghiệm bơm CO2 ở giếng N-02P vào tầng chứa dầu Miocence dưới, mỏ Rạng Đông, thuộc Lô 15-2 bể Cửu Long; thử nghiệm tăng cường thu hồi dầu bằng bơm ép CO2 giếng đơn (CO2-EOR Huff n Puff Pilot Test).

Các đơn vị thành viên của Petrovietnam như PVEP cũng từng bước tiếp cận với công nghệ và tìm kiếm các lô mở có phát hiện khí mà CO2 có thể được thu hồi và lưu giữ, bơm vào các đối tượng phù hợp, như các mỏ dầu khí đã cạn kiệt hoặc các bẫy chứa bão hòa nước (không chứa dầu khí). PVEP đã hợp tác nghiên cứu chung với SKEO về CCS tại Việt Nam bao gồm các nội dung về khả năng lưu giữ CO2 ở bể sông Hồng; áp dụng công nghệ gia tăng thu hồi dầu, khí bằng CO2 (CO2 EOR) trong các dự án tại Việt Nam; công nghệ thu gom CO2 và hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực CCS.

Với việc vận hành trên 50 dự án thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi trong suốt 15 năm qua, PVEP sở hữu nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật khai thác dầu khí. Đây là điều cần thiết để phát triển các dự án CCS. Bên cạnh đó, PVEP có đội ngũ chuyên gia am hiểu đặc tính địa chất của các mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam - nơi tiềm năng lưu trữ CO2 - một lợi thế nổi trội mà không doanh nghiệp nào có được, giúp PVEP không chỉ thu hút các tiềm lực tài chính, đối tác nước ngoài để phát triển dự án CCS mà còn chủ động trong việc tiếp cận, triển khai các dự án có liên quan đến CCS. PVEP cũng có tiềm lực tài chính lớn và ổn định có thể khả năng đầu tư vào các dự án CCS với quy mô lớn và hiệu quả cao.

pvep-day-tiem-nang-trien-khai-du-an-ccs.jpg
PVEP đầy tiềm năng triển khai dự án CCS

Triển khai CCS sẽ giúp PVEP đáp ứng các yêu cầu và quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Việc giảm khí thải CO2 vào môi trường sẽ giúp PVEP tăng uy tín, tuân thủ các quy định về chống biến đổi khí hậu và giảm khí nhà kính.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, quá trình nghiên cứu, triển khai CCUS của Petrovietnam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế, chính sách cụ thể nào hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghệ CCUS nhưng với thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực, Petrovietnam sẽ chủ động triển khai thực hiện các dự án CCS/CCUS. Trong thời gian tới, Petrovietnam sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát hoàn thiện báo cáo tiềm năng về lưu trữ các-bon tại Việt Nam để từ đó Petrovietnam có cơ sở nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, lộ trình cụ thể cho việc triển khai CCS/CCUS.

Việc triển khai CCS/CCU sẽ mở ra cho Petrovietnam cơ hội kinh doanh mới và đem lại lợi nhuận từ việc bán chứng chỉ carbon hoặc tham gia vào thị trường các-bon; tăng cường vị thế của Petrovietnam trong ngành Dầu khí Việt Nam. Đồng thời góp phần tăng uy tín tuân thủ các quy định về chống biến đổi khí hậu và giảm khí nhà kính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam: Chủ động nghiên cứu công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ các-bon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO