Ông Pó ở Pú Thăm Tạp

Đình Tiệp| 20/06/2022 09:58

(TN&MT) - Nhắc đến ông Lỳ Nọ Pó, không ai ở xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) không biết. Ông Pó nổi tiếng là người "sở hữu" những đồng cỏ mênh mông chẳng khác nào thảo nguyên ở đất nước Mông Cổ để chăn nuôi hàng trăm con trâu, bò. Nhắc đến ông Pó, ai cũng ngưỡng mộ về sự nỗ lực vươn lên làm giàu trên vùng đất biên giới Việt - Lào, trở thành một "ông chủ" trên cao nguyên.

Người Mông chăm chỉ

t21.jpg

Ông Pó chăm sóc đàn trâu bò của mình.

Trên bãi cỏ đỉnh Pú Thăm Tạp, phóng tầm mắt ra bốn hướng mênh mông là đồng cỏ xanh mơn mởn nhìn chẳng khác nào cao nguyên mà chúng ta gặp trên phim ảnh tại đất nước Mông Cổ xa xôi.

Ông Lỳ Nọ Pó chỉ về hướng Tây mà rằng, “ngày xưa nhà ta ở trên đó, nghèo lắm, nghèo đến mức có những tháng không được một hạt cơm nào, toàn rau rừng với măng tre, thi thoảng có đôi củ sắn. Ngày ta cưới vợ, bố mẹ cho khu đất này. À, mà ta là người Mông nhưng không lấy vợ sớm đâu, cả hai vợ chồng đều trên 18 tuổi mới cưới nhau đấy”.

“Hồi đó khu này chỉ làm lúa rẫy thôi, gặp năm hạn hán, có trồng mà không có gặt, thế là lại đói. Ta bàn với vợ chia đôi vùng đất, bên này thì vẫn trồng lúa, bên kia là chăn nuôi. Ồ, đêm ấy vợ khen lắm. Đấy, các anh xem đi, dưới thung lũng kia có một hồ nước nho nhỏ, trâu bò có nước để uống và tắm. Vợ ưng cái bụng rồi là ta bắt tay làm ngay. Hồi đó bán hết những gì có trong nhà, mua được một con bò cái, nó mau lớn lắm. Cứ thế, nó đẻ một lứa, rồi lứa hai… thế là ta có nhiều con bò” - ông Pó vui vẻ kể.

Đang phấn chấn, giọng ông Pó bỗng chậm lại: “Nhưng, gặp phải đợt rét đậm, bò lăn ra chết. Chết hết, tiếc lắm!”. Đó là câu chuyện của năm 1998.

Tạm xa Pú Thăm Tạp, vợ chồng ông dắt díu nhau sang vùng Nậm Tột, với mong muốn đỡ vất vả hơn. Nhưng, Nậm Tột xa lắm, phải đi một ngày đường mới đến nơi, đất đai cũng không phải màu mỡ. Hết phát nương làm rẫy, hết chăn nuôi gà lợn, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn không mấy khá lên. Ông kể, một năm sang ở Nậm Tột là đúng một năm mất mùa, gieo bao nhiêu lúa mà khi gặt không đủ ăn nổi một tháng.

Đang đận khó khăn thì hay tin Nhà nước có chủ trương cho nông dân vay vốn sản xuất, ông mừng lắm. Bụng bảo dạ chắc chắn lần này mình sẽ thành công. Thế là vợ chồng lại dời “đại bản doanh” về Pú Thăm Tạp. Số tiền được vay, ông bà mua ba con bò và đầu tư làm chuồng trại để chống rét, tránh nắng cho chúng.

“Rồi ba con bò lại đẻ nhiều con bò, ta bán một số con để mua thêm trâu, vì giá bán một con trâu có khi gấp rưỡi hoặc gấp đôi bò” - ông Pó say sưa nói.

Tôi hỏi về bí quyết của ông trong chăn nuôi trâu, bò, ông Pó nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên: “Không có bí quyết chi mô, phải chăm chỉ và chịu khó học hỏi thôi. Dân bản hay trêu ta là một người Mông chăm chỉ đó”.

Ông chủ trên "cao nguyên"

Ông Pó cầm gói muối, đứng trên một hòn đá cao nhất ở đỉnh Pú Thăm Tạp rồi khua tay gọi trâu, bò. Chưa đầy 5 phút, đàn trâu, bò lũ lượt chạy về khu vực ông đứng để ăn muối. Vừa vuốt ve lũ trâu, bò, ông Pó vừa giải thích với tôi, phải cho chúng ăn muối để tăng thêm khoáng chất, tăng sức đề kháng. Đồng thời, khi chúng đã “nghiện” muối thì rất dễ gọi về, vừa để kiểm đếm, vừa kiểm tra bệnh tật. Cái này hồi đi tập huấn, cán bộ gọi là phản xạ gì gì đó. Tôi nhắc nhẹ cho ông, phản xạ có điều kiện. Ông Pó vỗ vào lưng con trâu một cái thật mạnh, nói rõ to: “Đúng, đúng, phản xạ có điều kiện, có thế mà không nhớ ra”.

t21..jpg

Đồng cỏ mênh mông trên "cao nguyên" của ông Pó.

Trong cơn hưng phấn, ông tiếp tục giảng giải về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò. “Cái giống này là rất kỵ giá rét, mà thời tiết trên này thì các anh biết rồi đấy, rét lắm. Nuôi trâu, bò mà không có chuồng trại che chắn thì dễ bị mất trắng. Và vào mùa rét thì cây cỏ cũng gần như chết hết, nếu không dự trữ thức ăn thì chúng làm sao đủ sức chống chọi với mùa đông” - ông Pó giảng giải rành mạch.

Đoạn ông chỉ tay về sườn núi bên kia, rằng có cả một khu rừng thế này rồi mà ta vẫn cứ phải dành một số diện tích lớn để trồng cỏ voi, không có nó thì trâu, bò làm sao mà đủ no cái bụng được. Rồi như chợt nhớ ra một bí quyết nhà nghề, nét mặt của ông trở nên nghiêm trang, giọng đanh lắm: “Muốn có trâu, bò tốt thì phải có giống tốt. Cho nên cứ ba, bốn năm là phải thay con đực một lần, có thế thì bê, nghé sinh ra mới khoẻ mạnh, chất lượng cao”.

Ăn muối xong, trâu bò lững thững trở về với đồng cỏ của chúng. Chúng tôi cũng rời đỉnh Pú Thăm Tạp về với “đại bản doanh” của hai người chăn trâu. Giữa sàn nhà, bà Thò Y Chia đã bày sẵn một bình rượu cần, sẵn sàng cho chúng tôi nghiêng ngả.

Trong cơn chếnh choáng, tôi đề nghị bà kể về mối tình của hai người. Bà bẽn lẽn vừa đưa tay lên che mặt, vừa nho nhỏ: “Yêu lắm, bây giờ vẫn yêu mà, đi đâu cũng có nhau hết”. Sau vài ngụm rượu, bà Thò Y Chia có vẻ tự nhiên hơn, chủ động chuyện trò. Bà nói, ông bà có hai con gái, hai trai, đứa nào cũng có gia đình rồi và cuộc sống cũng rất ổn.

“Con trai đầu của ta học giỏi, nó đi làm thầy giáo, được về dạy ở trường của xã Tri Lễ đó. Ngôi nhà to vừa mới xây sát ngay nhà ta là nhà của nó đấy…” - bà Thò Y Chia tự hào khoe.

Tôi vẫn chưa tha cho bà Chia, mà gặng hỏi tiếp: Thế này thì ông bà đã được gọi là nhà giàu chưa? Bà Chia mỉm cười, định không trả lời, nhưng tôi cố ý thúc giục nên bà thành thật: Giàu ít ít thôi.

Tiễn chúng tôi xuống núi, thân mật, tôi hỏi ông Lỳ Nọ Pó lúc nào thì rời Pú Thăm Tạp để hai người chăn trâu được an hưởng tuổi già, ông xua tay: Chưa nghỉ ngơi được đâu, đang còn sức khỏe là đang phải lao động. Cũng là làm gương cho các con, các cháu và dân bản!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Pó ở Pú Thăm Tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO