Vẫn còn xem nhẹ mối nguy
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, hiện TP mới chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, công suất trên 270.000 m3/ngày đêm, đáp ứng 22% nhu cầu. 78% lượng nước thải đô thị còn lại đang được xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung, sông, hồ và môi trường xung quanh.
Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hồng Tiến phân tích: “Nước thải không qua xử lý mang theo nhiều chất hữu cơ, hoá chất, khoáng chất… làm ô nhiễm cả nguồn nước ngầm lẫn nước mặt”. Để có nguồn nước sạch sử dụng, chúng ta lại phải khai thác nhiều hơn, dẫn đến cạn kiệt nguồn nước nhanh hơn.
Nước thải đô thị không chỉ đe dọa chất lượng nguồn nước sử dụng của cư dân đô thị mà nó còn có thể gây ô nhiễm đất; biến đổi hệ sinh thái thực vật… Giám đốc Trung tâm thử nghiệm môi trường nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trần Minh Hiền chia sẻ, nước thải đô thị nhiễm dầu mỡ, chất hữu cơ khó phân hủy còn là nguyên nhân dẫn đến úng tắc hệ thống thoát, gây ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều năm qua, Hà Nội chưa được đầu tư đúng mức trong lĩnh vực xử lý nước thải đô thị. Đáng lo hơn, không ít người dân còn chưa nhận thức được nguy cơ ô nhiễm từ nước thải đô thị; chưa có ý thức bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng, lượng nước thải đô thị chưa được xử lý hiện nay chủ yếu là nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình.
Hành động ngay
Theo các nhà khoa học, muốn chặn đứng cơn lũ ngầm nước thải đô thị phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả 4 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, xây dựng khung chính sách, có cơ chế quản lý phù hợp trong lĩnh vực cấp thoát nước. Đại diện Công ty CP đầu tư xây dựng & thương mại Phú Điền cho rằng, sự thiếu nhất quán, ổn định của khung chính sách từ cấp T.Ư, cùng với việc chưa ban hành được giá dịch vụ thoát nước, đang khiến Hà Nội gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và giải pháp xử lý nước thải đô thị. “Nhóm giải pháp về chính sách phải đi trước tất cả” - vị này khẳng định.
Thứ hai, trên cơ sở có một bộ khung chính sách phù hợp, Hà Nội cần thu hút mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải. Nguồn vốn ngân sách của TP chắc chắn không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng hạ tầng nói chung, hệ thống xử lý nước thải đô thị nói riêng. Bởi vậy, nguồn vốn xã hội hoá cần được coi là nguồn lực chính trong chiến lược lâu dài của ngành nước TP.
Thứ ba là nhóm giải pháp về khoa học - công nghệ, kỹ thuật và nhân sự. Muốn xây dựng một đô thị thông minh, đương nhiên mọi lĩnh vực hạ tầng của Hà Nội phải được tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, và xử lý nước thải không nằm ngoài xu thế đó. Hà Nội cần những gói giải pháp lớn, bao gồm cả đầu tư công nghệ và đào tạo nhân sự để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài.
Cuối cùng, nhóm giải pháp cấp thiết và cũng khó khăn vào bậc nhất chính là tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, môi trường nước cho Nhân dân Thủ đô. Bởi, việc xử lý ngay từ đầu nguồn nước thải tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với mục tiêu ngăn cơn lũ ngầm nước thải đô thị.