“Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Đưa nước đến vùng núi cao, vùng khó khăn và khan hiếm nước

21/03/2019 08:54

(TN&MT) – Kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước sẽ được Bộ TN&MT bàn giao cho các địa phương trong thời gian sớm nhất. Trong đó có 108 vùng trọng điểm ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và 10 tỉnh phía Bắc đã hoàn thành và sẽ được bàn giao ngay cho các địa phương đưa vào khai thác sử dụng. Điều này vô cùng có ý nghĩa với chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019. 

Ngày Nước thế giới năm 2019 với Chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm điều chỉnh, cụ thể những cam kết trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải hưởng lợi: “Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của con người bạn”.

1
Tìm được nguồn nước ngầm có chất lượng và trữ lượng lớn trên cao nguyên đá Đồng Văn

Vâng, nước là một trong những quyền cơ bản của con người giống như quyền có cơm ăn áo mặc. Hiện nay các chương trình của Chính phủ mới tập trung chủ yếu ưu tiên tìm kiếm nguồn nước tại các thành phố, đô thị, thị trấn, thị tứ, vùng kinh tế trọng điểm. Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước nhằm tiệm cận tới một trong những quyền có nước của con người. Với ý nghĩa ấy, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã nỗ lực hết sức trong việc thực hiện Chương trình chất lượng và hiệu quả để “không bỏ lại” người dân ở bất cứ một nơi nào trên đất nước hình chữ S rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia cho biết: Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 264/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 được thực hiện tại 1333 vùng thuộc địa bàn 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bắc Bộ có 16 tỉnh, Bắc Trung Bộ 4 tỉnh, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 12 tỉnh, Nam Bộ 12 tỉnh.

2
Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN Quốc gia Triệu Đức Huy (thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ Trung tâm QHĐTTNNQG kiểm tra chất lượng thi công công trình giếng khoan khai thác dự án điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước

Mục tiêu của chương trình là tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước để cung cấp nước sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng một số mô hình công trình cấp nước đặc trưng phù hợp với điều kiện ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt bền vững, an toàn cho nhân dân.

Chương trình được triển khai từ năm 2015 với 3 dự án thành phần Dự án số 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại quyết định số 3286/QĐ-BTNMT ngày 16/12/2015 giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia thực hiện; Dự án số 2: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” do Bộ khoa học và Công nghệ chủ trì; Dự án số 3: “Xây dựng thí điểm hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước ở các vùng đặc trưng” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì.

Tính đến hết tháng 02 năm 2019, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra của Dự án trên phạm vi 5 khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
 

4
Người dân tỉnh Bình Thuận vui mừng vì từ này đã có nguồn nước sạch để dùng

Cụ thể, đã khoanh định các vùng có khả năng chứa nước, tiến hành điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đã thiết kế và thi công các dạng công tác điều tra, tìm kiếm, đánh giá các nguồn nước dưới đất; xác định các nguồn có khả năng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại 108 vùng, thuộc 21 tỉnh. Tổng số công trình đủ điều kiện để có thể bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng là 236 công trình, với tổng lưu lượng khai thác đạt 72.720 m3/ngày. Các công trình khai thác đã được kết cấu, xây dựng kiên cố, đạt mục tiêu khai thác, sử dụng lâu dài với lưu lượng đảm bảo và chất lượng nước tốt; nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 1,2 triệu người với định mức 60 lít/người/ngày.

Toàn bộ các công trình của Dự án tại 108 vùng thuộc 21 tỉnh đã sẵn sàng để bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia rất vui mừng được đóng góp công sức để đem nguồn nước dưới đất đảm bảo về số lượng và chất lượng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đặc biệt tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Chia sẻ thêm về Chương trình, ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho hay, hiện nay, thực trạng một số địa phương khu vực khan hiếm nước đang yêu cầu phải bàn giao sản phẩm để họ huy động các nguồn lực khác để khai dẫn cung cấp bơm nước cho dân. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên nguồn nước ngầm tìm kiếm chất lượng rất tốt, cơ bản bơm lên là có thể sử dụng được. Vì thế, một số vùng khan hiếm quá họ đã chủ động xin lắp máy bơm để bơm nước lên cho nhân dân sử dụng.

Mùa khô năm nay, tình hình hết sức nóng bỏng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ĐBSCL. Do vậy, trong tháng 5, tháng 6 sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị để bàn giao hồ sơ sản phẩm và công trình cho các địa phương. Từ đó, địa phương có thể huy động nguồn lực xây dựng các hệ thống khai dẫn để cấp nước cho người dân.

“Ngày 18/3 vừa qua, chúng tôi đã bàn giao 8 cụm công trình khai thác nước của dự án này cho tỉnh Bạc Liêu do hiện nay địa phương này đang rất bức xúc về nguồn nước”, ông Huy cho biết thêm.
 

4
Lễ bàn giao 8 công trình khai thác nước dưới đất cho tỉnh Bạc Liêu ngày 18/3/2019

Việc tìm kiếm ra nguồn nước có công suất lớn phục vụ cho một cụm dân cư hoặc nhiều cụm dân cư có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định an ninh kinh tế, dân cư. Tuy nhiên, để chương trình được thành công toàn diện cần sự huy động nguồn lực xã hội và sự phối hợp quyết liệt của các Bộ, ban ngành mới có thể sớm đưa những nguồn nước này phục vụ dân sinh.

Bởi lẽ, đây là một chương trình rất khó khăn để có kết quả tốt phải triển khai một cách bài bản, làm tới đâu chắc tới đó. Trước hết, những vùng lựa chọn thực hiện dự án đều là những vùng cực kỳ khó khăn về nguồn nước, cơ bản không có nước mặt hoặc nguồn nước mặt không thể sử dụng được. Thêm vào đó, việc tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất, lưu giữ được dưới các tầng đá cũng vô cùng khó. Có những vùng trong đề án chỉ duyệt 3 lỗ khoan yêu cầu đặt ra là phải có nước; nhưng có khi đơn vị thi công phải làm đến 5 đến 7 lỗ khoan. Có nghĩa là tỷ lệ rủi ro rất lớn, trong khi yêu cầu cao (phải có nước mới đảm bảo được). Mặt khác, việc vận chuyển, cung cấp nước cho quá trình khoan cũng hết sức vất vả.

Để khơi thông nguồn nước phục vụ đến từng nhà cần có sự phối hợp của Bộ ngành (cụ thể là Bộ NN&PTNT), địa phương, huy động các nguồn lực xã hội. Hơn nữa, ở những vùng núi cao, vùng khan hiếm nước để huy động được nguồn lực xã hội cũng cần phải có những ưu đãi về thể chế, chính sách mới thu hút được nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Đưa nước đến vùng núi cao, vùng khó khăn và khan hiếm nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO