Tây Nguyên là gì ư? Có gì đâu mà Tây Nguyên nhỉ? Tôi đã từng hỏi lòng mình câu ấy, rồi tự mình tìm ra câu trả lời. Đơn giản, với tôi, Tây Nguyên là một nụ cười.
Tôi chỉ là một kẻ vô danh, bàn chân mang đôi giày fake quen thuộc, đến bắt vạ ở nơi xa lạ này. Ai ai đã lầm, tôi còn lầm hơn, Tây Nguyên đâu phải xa lạ. Chỉ có tôi là người xa lạ, đến cao nguyên để thấy mình nhạt thếch. Lửa vẫn cháy từ hôm bụng bảo dạ bập bùng. Tôi biết kể từ đâu bây giờ, tôi biết thở từ đâu bây giờ, hãy cứ là một kẻ vô danh nắm tay con ma rừng đi tìm nữ thần mặt trời, đi tìm lời ru, đi tìm Chapi*.
Có nhiều khi tôi từng ghen tị với một đôi giày fake. Bởi dù là fake thì nó vẫn không phải vô danh. Nhưng Ray Bradbury từng kiêu hãnh: Hãy ngắm nhìn thế giới. Điều đó tuyệt vời hơn bất cứ giấc mơ nào. Bởi vậy, đôi khi tôi thà là kẻ vô danh…
Đến Tây Nguyên ngắm núi cao rừng sâu và đi tìm nghe tiếng đàn Chapi, tìm giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của người Raglai. Tôi đi theo tiếng gọi tha thiết mà chàng du ca Tây Nguyên Y Moan từng rực cháy trong tình khúc của nhạc sĩ Trần Tiến. “Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn… Chapi… Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn… Chapi…”.
Đêm đêm, ngọn gió từ Chư Yang Sin trở về luồn vào bếp lửa giữ ấm nhà sàn, siết chặt tay những người đồng tộc. Khi cần rượu như thác chồng Đray Sap nức nở đổ tìm thác vợ Đray Nu, trên chiếc chóe cổ ủ bao đời men lúa mẹ nồng nàn vít xuống là lúc tiếng chiêng ngân lên những cung bậc khắc khoải sinh sôi. Ca từ và giai điệu trong các tác phẩm của Nguyễn Cường, Trần Tiến, Yphôn Ksor, của Linh Nga Niê KĐăm, của Krazăn Đich, Krazăn KPlin… lại thêm một lần, lại thêm nhiều lần, thống thiết, cuồng nhiệt và thẳm sâu.
Ai thương ai, yêu ai, quên ai như con đường dài. Ai Chư Yang đêm đêm mơ khuya ban mai nương dài một bóng thần. Những thông điệp của niềm khát khao cần một sự sẻ chia, một lời giải đáp. Những đứa con của đại ngàn trái tim là những ngôi nhà dài, những bến nước xưa, những bức tượng nhà mồ cười gió mưa, tiếng chiêng gọi ngải đêm sâu hay những đêm khan huyền hoặc ai hư ai thực.
Theo quan niệm tâm linh của đồng bào Tây Nguyên, khi một người từ bỏ trần gian để về với Yàng - “chết” không có nghĩa là chấm hết tại đây mà họ tin rằng linh hồn người mới khuất ấy vẫn quanh quẩn đâu đó cho đến khi lễ bỏ mả diễn ra. Tượng nhà mồ làm cho ai đó mới đến Tây Nguyên phải hồn xiêu phách lạc. Có những buổi chiều nghênh ngang hơi rừng, những giọt mưa xám xằng xám xịt u uẩn bên khu linh mộ làm cho Tây Nguyên trở thành một nụ cười bí hiểm. Vậy đấy, vốn dĩ Tây Nguyên là một nụ cười.
Trong đôi mắt đen nâu như dòng Krông Ana ánh lên giấc mơ trở về với những mùa thơ mộng. Dòng Krông Nô vạm vỡ quấn quýt hoang dại những ngọn gió trùng phùng. Đó là mùa cao nguyên, đó là khèn Đinh Puốt, đó là những chiếc chong chóng chầm chậm quay từ Kon Tum về Gia Lai. Tiếng trâu gọi lục lạc thong dong về buôn. Tiếng đàn tre đẩy nước ngoài bến sông đến ăn nằm với thời gian vĩnh cửu. Tiếng con chim Tia Chôm, con chim Phí bay về ngẩn ngơ núi xa mờ xa. Thương con nai, con hươu tha thẩn bìa rừng gọi bầy thiêm thiết. Tây nguyên là gì ư, Tây Nguyên là một nụ cười.
Ở Tây Nguyên, có những ngôi làng tuổi bằng đại ngàn, mà hầu như thanh niên nào cũng biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ. Từ đời ông, đời cha, từ mùa lúa năm này, từ mùa bắp năm kia, những âm thanh của đất, của trời, của những dòng thác reo vui, của những con sông cặm cụi nuôi dưỡng âm thanh. Âm nhạc ngủ ở nơi đây, thức dậy ở nơi đây, đắm say từ khi một đứa trẻ ra đời. Tiết mục cồng chiêng của những ngôi làng ở Tây Nguyên chưa bao giờ làm no cái bụng người réo rắt. Đó không chỉ là sự hòa tấu nhịp nhàng của cồng chiêng với nhiều nhạc cụ khác mà từng động tác, biểu cảm khuôn mặt của người Tây Nguyên cũng ám ảnh một niềm say mê kiêu hãnh.
Cồng chiêng Tây Nguyên gắn liền với con người trong những bước đi quan trọng của đời người, khi ra đời có tiếng cồng chiêng làm lễ thổi tai. Lúc trưởng thành, lúc già, lúc cưới xin, khi đón khách, khi bỏ mả, lúc lên nhà mới… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng chiêng còn là mật mã âm thanh, nghe tiếng chiêng của người Tây Nguyên có thể biết người nổi chiêng việc vui, sự buồn, để cùng chia sẻ.
Xuất phát từ tình yêu dành cho núi rừng, nhạc sĩ Nguyễn Cường mang theo nỗi khát vọng của tuổi trẻ để khám phá những bí ẩn nơi miền đất mới. Chính điều đó đã thôi thúc ông tìm đến nơi đây dù cho mấy sông cũng lội mấy núi cũng trèo. Ông chia sẻ: “Cả Hà Nội trong tôi cùng đến với Tây Nguyên. Tôi tự thấy mình hợp với khí chất khoáng đãng, rộng lớn và mãnh liệt của Tây Nguyên”.
Xa như con đường thoăn thoắt đến những khu tượng nhà mồ ngoảnh mặt, tôi tìm về đêm rừng Lộc Bắc. Đêm ấy có tiếng chiêng níu chặt yêu thương, ngọn lửa ấm trong ngôi nhà dài, ấm những bàn tay ngày nay, ngày mai. Ấm cho cả những đêm rừng Tây Nguyên chập chừng trở về, tôi gặp lại những mắt sâu người sơn cước, những đôi mắt nâu ngước lên màu đất, thành thật như bếp lửa, như cồng chiêng đời chưa từng quên. Không gian đại ngàn buổi ấy bí hiểm mà thân thuộc, ngả cái bóng linh thiêng mà che chở những buôn làng, những dãy nhà dài, dài như tiếng chiêng và những con người bên ngoài mộc mạc mà vời vợi thẳm sâu như tiếng đàn Chapi. Như kẻ thương đàn Chapi.
Lạc bước vào cồng chiêng, tôi cứ man dại mà đi, cứ tê tái mà nhớ, cứ bồi hồi dã quỳ phố núi thênh thang. Không hiểu sao khi còn chưa một lần đặt chân tới Tây Nguyên tôi đã trộm nhớ những đàn voi cuộn rừng gọi đất, đã thầm thương mật ngọt chiêng cồng, đã xanh tình những mái nhà rông cao thẳm, đã hôn mê “uống nước nguồn miền Bắc” từ tít tắp bóng cây kơnia. Và trong xa xăm của tâm tưởng là trường ca Đam San ngập ngừng say lửa, giọng kể khan trầm hùng, tôi như đêm bập bùng, tôi như ai vội mừng: Yêu thương còn dài “dài như một tiếng chiêng ngân”.
Khi đến Tây Nguyên, tôi mới nhận ra rằng chỉ có tôi là người lạ chứ Tây Nguyên chẳng hề xa lạ. Tây Nguyên là một nụ cười, Tây Nguyên là một lời ru, Tây Nguyên là một tiếng đàn Chapi hay Tây Nguyên chỉ là một ngọn lửa ngày bập tháng bùng. Có nhiều khi tôi từng ghen tị với một đôi giày fake. Bởi dù là fake thì nó vẫn không phải thứ vô danh. Nhưng trái tim tôi nhảy ra khỏi ngờ vực dỗ dành: Hãy ngắm nhìn thế giới. Điều đó tuyệt vời hơn bất cứ giấc mơ nào. Và nụ cười Tây Nguyên hẳn là một trong những giấc mơ ủ những thề nguyền yêu thương.
*Mượn tứ trong bài hát “Đi tìm nữ thần mặt trời” và “Giấc mơ Chapi”