Nông nghiệp xanh trên miền đất đỏ
(TN&MT) - Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thuộc khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông được biết đến là một vùng đất bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, rất thuận lợi để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ chất lượng cao, bền vững.
Trước thách thức biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu và yêu cầu phát triển bền vững, Đắk Nông đang nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, tôn trọng, thích ứng với thiên nhiên và ứng dụng khoa học công nghệ cao làm mũi nhọn đột phá.
Trải qua hàng thế hệ sinh ra và gắn bó với vùng đất cao nguyên thơ mộng và hùng vĩ, thiên nhiên nơi đây đã bao bọc, nuôi nấng con người, vậy nên, đối với người dân Đắk Nông, dù cho vật đổi sao dời thì phát triển kinh tế dựa vào thiên nhiên vẫn là tối ưu, vừa xuất phát từ điều kiện tự nhiên, vừa giống như một sự tri ân với đất đai, sông ngòi, khí hậu…
Vì vậy, kể từ thời điểm Ðắk Nông còn là “người một nhà” với Đắk Lắk, hay từ 2004 - sau khi “ra riêng” và đặc biệt là những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông luôn xác định nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, sẽ đưa nông nghiệp trở lại xứng tầm vị trí của nó bằng việc đầu tư mạnh mẽ vào khoa học, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm.
Để thực hiện được khát vọng nâng tầm nông nghiệp, một trong những phương châm mà Đắk Nông đề ra đó là sản xuất phải trên cơ sở hiểu và tôn trọng thiên nhiên, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tôn trọng người tiêu dùng. Với những quan điểm bền vững, tư duy mới và giải pháp thích ứng mới, một nền nông nghiệp xanh đã hình thành và lan tỏa trên vùng đất Đắk Nông, nhiều mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch ra đời, đặt những viên gạch xanh xây mô hình nông nghiệp bền vững, phát triển gắn với bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường xanh, sạch.
Tựu chung lại là phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là xu thế tất yếu và là hướng đi phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt đã tạo bước ngoặt lớn cho ngành nông nghiệp. Tại Kế hoạch số 585/KH-UBND, ngày 14/10/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông, thực hiện Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, các địa phương phải xác định cho được loại sản phẩm và các khu vực phù hợp với canh tác, sản xuất hữu cơ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để duy trì và mở rộng sản xuất, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất từ 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.
Chỉ trong vòng 10 tháng kể từ khi được phê duyệt, đến nay, Đề án đã mở tung cánh cửa, khơi thông luồng gió để trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đã có trên 200 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương, với tổng diện tích gần 29.000ha. Trong đó, diện tích chứng nhận VietGAP là trên 2.500ha; diện tích chứng nhận hữu cơ là trên 700ha; diện tích chứng nhận các tiêu chuẩn khác (4C, UTZ, Rainforest Alliance...) là trên 25.000ha; diện tích chứng nhận GlobalGAP là trên 10ha. Các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, lúa, rau và cây ăn trái.
Điển hình tại huyện Đắk Song có gần 14.000ha hồ tiêu, diện tích kinh doanh gần 13.000ha, sản lượng đạt gần 33.000 tấn. Trong số đó, trên 2.300ha hồ tiêu đạt các chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam... Hiện Đắk Song đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình cảnh quan hồ tiêu bền vững nhằm phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu kết hợp cảnh quan quy mô lớn theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường Mỹ, châu Âu.
Giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Đắk Nông phấn đấu diện tích có nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 3.310ha với khoảng 0,5% - 1% tổng diện tích đất trồng trọt, ở các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ số hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong công tác chăm sóc và phòng chống sâu bệnh hại trên cây trồng có nguồn gốc sinh học đạt trên 30%; tăng tỷ lệ các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ đưa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 15% trong tổng số sản phẩm phân bón; hướng dẫn biện pháp phòng chống sinh vật gây hại phù hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 90% sản phẩm hữu cơ được chứng nhận, tiêu thụ theo hệ thống và truy xuất được nguồn gốc. Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Mỗi huyện/thành phố có ít nhất từ 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.
Các hoạt động tập trung tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân cũng đồng thời được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vai trò hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững và quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp, làm gia tăng sản lượng nông nghiệp nói chung và sản lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, hiện thực hóa chương trình phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, bền vững, gắn cam kết toàn cầu với ưu tiên của địa phương trong thực hiện chiến lược sản xuất, sản xuất trong yêu cầu nuôi dưỡng chất đất, tái sinh, hồi sinh đất.
Mức tăng trưởng khu vực nông nghiệp bình quân đạt 4,6%/năm đã nâng tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp lên trên 37%, cùng với các đề án, dự án, chương trình, chính sách định hướng phát triển của tỉnh đang đồng loạt phát huy hiệu quả, kỳ vọng về một ngành nông nghiệp cất cánh đã nằm trong tầm ngắm của tương lai gần. Bởi theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, Đắk Nông hội tụ được các tiềm năng lợi thế và còn dư địa rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp xanh bền vững, đó là một trong nhiều lợi thế để nông nghiệp Đắk Nông tự tin bứt phá trong thời gian tới.
Trước mắt, sản xuất nông nghiệp sẽ giảm tỉ trọng nhóm cây lương thực, ổn định nhóm cây lâu năm và hàng năm. Nhóm cây ăn quả, rau xanh, hoa, cây cảnh, dược liệu... cũng sẽ được tỉnh định hình ổn định, tăng tỉ trọng giá trị cây mắc ca và các cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, áp dụng công nghiệp chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào các công đoạn, quy trình nhằm hạn chế lao động thủ công, chủ động điều tiết giải pháp ứng phó với các yếu tố thời tiết và biến đổi khí hậu thông qua hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại; kiểm soát biến động thị trường, kiểm soát môi trường và chất lượng sản phẩm…
Đã từng có nhiều dịp được tháp tùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đi khảo sát thực tế, nhưng trong chuyến đi gần đây, tôi mới thực sự chứng kiến niềm vui trong từng ánh mắt, cử chỉ của ông khi nhắc tới những con số đáng tự hào. Ngành nông nghiệp tỉnh đã định hình và phát triển 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, tiềm năng; hỗ trợ phát triển, công nhận 60 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 120ha; công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô hơn 2.400ha; xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và 1 Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông. Hiện, toàn tỉnh có 3 liên hiệp hợp tác xã, 203 hợp tác xã nông nghiệp với các lĩnh vực hoạt động đa dạng; thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm.
Đã xanh lại những mảng nâu từng kéo trì trệ và chia cắt manh mún nông nghiệp trên vùng đất cao nguyên; đã liền lại những đứt gẫy trong lòng đất, nhưng trước mắt, vẫn còn nhiều những thách thức khó khăn khi thời tiết ngày càng đỏng đảnh, không chiều theo ý muốn của con người, khi địa hình địa chất còn tiềm ẩn nhiều biến động, trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế, và bên cạnh những mảng xanh vẫn còn đây đó những gam màu xám cả trong thực tế lẫn tư duy phát triển. Nhưng, về cơ bản, Đắk Nông đã tìm thấy một chữ “Đồng”, từ quan điểm chủ trương đến phương châm, giải pháp và triển khai trong thực tiễn. Xanh hóa nền nông nghiệp sẽ là hướng đi lâu dài, bền vững, tạo tiền đề thắng lợi cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, một diện mạo nông thôn giàu về kinh tế; mạnh về hệ thống chính trị; xanh, sạch về môi trường, trật tự, an ninh nông thôn. Và quan trọng nhất, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho mọi mục tiêu, không riêng gì mục tiêu xây dựng nông thôn mới.