Biến đổi khí hậu

Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Hoài Thu 14/03/2024 - 09:19

(TN&MT) - Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), vì vậy, để nông nghiệp phát triển cân bằng, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, việc nghiên cứu đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Thách thức và cơ hội với ngành nông nghiệp

Theo TS. Nguyễn Đăng Mậu - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí tượng Nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện ngành nông nghiệp tại Việt Nam đang chịu nhiều tác động cực đoan từ BĐKH, với nhiều nhân tố như: Thời tiết, khí hậu, tài nguyên đất, nước, không khí và môi trường xung quanh. Một nhân tố cho chúng ta cảm nhận rõ nét và sâu sắc nhất chính là khi khí hậu biến đổi khó lường, không hài hòa theo mùa như trước.

phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-40_ghhs_thumb.jpeg
Mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng công nghệ thông minh.

Sự thay đổi của hệ thống khí hậu như hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển dần những trạng thái khí hậu mới, có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, nhiệt độ tăng cao hơn, đối với một số cây trồng hiện nay, không còn phù hợp điều kiện khí hậu thời điểm nắng nóng, dẫn đến sâu bọ, dịch bệnh phát triển, thoái hóa đất, nước biển dâng gây ngập lụt… cùng những ảnh hưởng khác đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có những loại cây trồng khá phù hợp với thời tiết nắng nóng, như vậy việc nghiên cứu các loại giống, loại phù hợp với thời tiết để biến "nguy thành cơ" là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo các kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT, dự báo trong tương lai, các xu thế tác động BĐKH sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Do vậy, đây được coi là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Từ đó, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Việt Nam áp dụng mà đang được nhân rộng mô hình trên toàn thế giới.

Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH. Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã thể hiện được "tầm nhìn chiến lược" khi văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 19 và trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về thích ứng BĐKH,… đều nêu rõ những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH đối với ngành nông nghiệp như: Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính,…

Mặt khác, nông sản Việt Nam có nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú và được hỗ trợ nhiều chính sách phát triển nông nghiệp như giảm thuế, miễn thuế, cơ chế vay vốn ưu đãi... đang trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn. Việc phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH thời gian qua cũng thu hút sự quan tâm của không ít các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hoạt động này. Đây chính là cơ hội để chúng ta mở rộng, kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, chuyển đổi cây trồng, với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thúc đẩy nghiên cứu các ứng dụng thông minh cho nông nghiệp

Để có được những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá cho ngành nông nghiệp, những năm qua, nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học đã tạo ra nhiều giống cây trồng mới phù hợp hơn với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất, canh tác và đã cho kết quả khả quan. Có thể kể đến giải pháp công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nghiên cứu giống lúa chịu mặn cao; nhiên cứu các loại trái cây phù hợp thổ nhưỡng để xây dựng vùng chuyên canh; nghiên cứu giống ngô và các loại cây lương thực phù hợp với những vùng sương giá miền núi phía Bắc...

Góp phần vào việc hình thành một ngành nông nghiệp thông minh, thích ứng BĐKH cho Việt Nam, hiện Trung tâm nghiên cứu khí tượng Nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang nghiên cứu, phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa về phân vùng, phát triển cây dược liệu là cây chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Công trình nghiên cứu nhằm chỉ ra cho địa phương biết, cây dược liệu phát triển ở vùng nào tại tỉnh là thuận lợi nhất, đảm bảo giá trị dược liệu, để từ đó, địa phương có những chính sách phù hợp, kêu gọi đầu tư, người dân tham gia và có thể phát triển những hệ thống nông nghiệp thông minh, đạt được hiệu quả cao nhất.

Qua quá trình nghiên cứu và ứng dụng những nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, TS. Nguyễn Đăng Mậu cho rằng, để phát triển thành công nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Nhà nước cùng người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trách nhiệm của người dân phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết về vấn đề nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH, để sẵn sàng để tham gia “cuộc cách mạng” này.

Rất cần người nông dân dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm việc áp dụng các giải pháp thông minh, ứng dụng các sáng kiến trong những mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó, đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp có thể đạt hiệu quả cao, thích ứng được với BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO