Nông nghiệp thích ứng BĐKH: Hợp tác quốc tế nhân rộng các mô hình hiệu quả

Khánh Ly| 24/12/2020 10:30

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác Nam - Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu”, năm qua, Việt Nam đã lựa chọn 36 thực hành nông nghiệp là các mô hình canh tác, sản xuất để giới thiệu trở thành các sáng kiến. Trong năm 2021, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ tổng hợp và tài liệu hóa các thực hành tốt để giới thiệu đến các địa phương và giao lưu quốc tế.

Ưu tiên các mô hình bền vững về môi trường

Theo TS. Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), qua quá trình khảo sát, phân tích, đánh giá tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bến Tre và Trà Vinh, Viện đã lựa chọn ra 36 thực hành tốt. Trong số này, có 12 thực hành sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; 13 thực hành/công nghệ chế biến, bảo quản thích ứng BĐKH và 12 doanh nghiệp nông nghiêp thích ứng với BĐKH.

Các thực hành được lựa chọn theo tiêu chí: Mô hình hoặc tác nhân tham gia có áp dụng các thực hành sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, phân phối nông lâm thủy sản thích ứng với BĐKH và bền vững về môi trường. Dự án cũng ưu tiên những chuỗi giá trị có ít nhất 2 tác nhân liên kết thông qua hình thức hợp đồng; thu hút sự tham gia của nhiều nông hộ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và hộ có phụ nữ làm chủ hộ; các tác nhân trong chuỗi giá trị có áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP…

Mô hình nuôi cá chép trong ruộng bậc thang ở Hà Giang - một trong 36 thực hành tốt được lựa chọn

Trong bối cảnh BĐKH tác động đến Việt Nam, những thực hành thích ứng BĐKH tập trung chủ yếu vào chuyển đổi diện tích trồng vụ Xuân kém hiệu quả sang trồng cây chịu hạn, chịu mặn. Sử dụng hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước và công lao động. Một số mô hình xen canh lúa cá hoặc lúa tôm để tăng hiệu quả sử dụng đất; nuôi vịt biển thích hợp với vùng nước mặn, lợ hoặc sử dụng thức ăn ủ men trong chăn nuôi đem lại nhiều lợi ích trong chế biến, bảo quản thức ăn và môi trường.

Các thực hành/công nghệ chế biến, bảo quản giúp nâng cao giá trị và thời gian bảo quản của sản phẩm. Trong đó, phổ biến nhất là việc sử dụng nhà màng, nhà kính để phơi sấy nông sản, như phơi sấy chè ở Hà Giang, phơi sấy miến dong, bí đao ở Bắc Cạn, phơi sấy dược liệu ở Trà Vinh... Nhiều mô hình áp dụng sản xuất hữu cơ giúp quản lý dinh dưỡng trong đất tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.

Các mô hình cũng tận dụng tốt ưu thế thổ nhưỡng, khí hậu bản địa để phát triển các cây trồng, vật nuôi bản địa, tạo ra sản phẩm đặc thù với điều kiện phát triển thành hàng hóa quy mô lớn… Theo PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các kết quả của Dự án sẽ giúp củng cố năng lực cạnh tranh của chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam, thông qua thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp, tạo điều kiện tham gia cho các hộ nông dân.

Nhân rộng các mô hình thích ứng BĐKH

Không chỉ giới hạn ở Việt Nam, Dự án Hợp tác Nam - Nam cũng nhằm giới thiệu các thực hành tốt và kinh nghiệm sản xuất thích ứng BĐKH ở Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Trong bối cảnh các hoạt động thương mại nông sản giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng phát triển, hợp tác chuỗi giá trị cũng theo đó vươn ra khỏi biên giới. Theo TS. Hoàng Xuân Trường, Dự án cũng sẽ nghiên cứu các quy định về hàng rào kỹ thuật, thuế quan liên quan của 4 nước, tạo điều kiện để các chuỗi giá trị tham gia chủ động vào thị trường xuất khẩu chính ngạch, phù hợp với tiêu chuẩn, quy định trong hoạt động thương mại nông sản quốc tế. Điều này cũng góp phần tăng tính minh bạch trong xuất nhập khẩu sản phẩm chất lượng giữa các nước cùng tham gia.

Tại Việt Nam, một số sản phẩm chủ lực có chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu như chè shan tuyết, thạch đen, trâu bò thịt tại Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, hoa quả ở Bến Tre và Trà Vinh.

Dự kiến, cho đến khi kết thúc Dự án vào cuối năm 2021, các đơn vị tham gia thuộc 4 quốc gia sẽ cùng chia sẻ thông tin về 60 mô hình điển hình thông qua các sản phẩm tri thức như sách, tờ rơi, áp phích, video… Các hoạt động hướng tới nâng cao nhận thức và năng lực sản xuất thích ứng BĐKH cho các hộ nông sân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng BĐKH của ngành nông nghiệp.

Những Hội thảo quốc tế và thăm quan thực địa về sáng kiến phát triển chuỗi giá trị thích ứng BĐKH, hợp tác thúc đẩy các sáng kiến tốt tham gia thị trường xuất khẩu cũng sẽ được tổ chức ở cả 4 nước. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy các mô hình hợp tác xuyên quốc gia trong chuỗi giá trị thích ứng BĐKH, đồng thời, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp thích ứng BĐKH: Hợp tác quốc tế nhân rộng các mô hình hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO