Ươm giấc mơ tỏi sạch
Đến Lý Sơn là về với “vương quốc tỏi”. Ở nơi này, ngay sát những bờ biển vắng lặng, hoang sơ là những cánh đồng tỏi, hành xanh mướt xen lẫn bãi bồi, đình làng, miếu thờ hàng trăm năm của cư dân đất đảo tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Gió từ biển thổi vào quyện mùi của tỏi, nồng và hăng, người chưa quen thoáng chút khó chịu, quen rồi lại thích thú bởi mùi đặc trưng của hải đảo.
Dẫn chúng tôi đi thăm khoảng vườn trồng tỏi bằng phương pháp hữu cơ có diện tích khoảng 400m2 trên cánh đồng Cõi ở An Vĩnh, anh Đặng Quang Trọng (An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho hay, khác với tỏi trồng đại trà, thời gian thu hoạch tỏi hữu cơ thường lâu hơn, năng suất cũng thấp hơn nhưng bù lại, giá tỏi tươi thị trường 50 nghìn/ký thì sản phẩm của Trọng gấp ba đến bốn lần.
Ruộng tỏi trồng theo phương pháp hữu cơ của Đặng Quang Trọng |
Trọng kể, sinh ra và lớn lên trên đất đảo, mỗi lần về quê chứng kiến người dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu để trồng tỏi khiến vùng chuyên canh tỏi quá tải và nguy cơ ô nhiễm, anh không khỏi lo lắng. Sản lượng tăng nhưng chất lượng tỏi có nguy cơ bào mòn, môi trường sinh thái ô nhiễm nếu không có điểm dừng. Với mong muốn bảo vệ môi trường đất đảo trước khi quá muộn, Trọng đã từ bỏ công việc ổn định ở TP.HCM để trở về Lý Sơn lập nghiệp, làm nông sản sạch.
Khó khăn nhất là phục hồi môi trường đất đã bị bào mòn. Trọng mua phân chuồng ủ sâu dưới đất, thay thế cho lớp cát cỗi, đất đồi bạc màu. Không dùng phân thuốc hoá học, phương thức canh tác tỏi hoàn toàn tự nhiên với phân hữu cơ là vật phẩm cá, rong biển, mùn rác hữu cơ từ nhà máy rác sinh hoạt, bánh dầu được ủ cải tạo đất, xuống giống. Kết thúc vụ tỏi, chuyển qua trồng đậu phộng để cải tạo đất.
Theo anh Trọng, điều đặc biệt ở mô hình này là để nguyên cỏ dại, cỏ chỉ được loại bỏ khi mọc cao hơn ngọn cây tỏi. Cỏ dại được giữ lại nhằm đảm bảo độ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh gây hại tỏi. Qua 3 năm trồng tỏi theo hướng hữu cơ, đến nay, anh Trọng đã thành lập Công ty Cổ phần Vipas và tạo việc làm ổn định cho 5 lao động.
“Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mình đều không dùng, mình chỉ dùng những gì liên quan đến hữu cơ từ tự nhiên, cây cỏ. Quy trình canh tác chỉ dùng phân chuồng bót lót, dung dịch phòng trừ sâu bệnh gây hại từ lá cây. Năm nay, năng suất đạt 60 -70% so với năng suất người dân làm bình thường. Giá nông sản mình bán từ 250 – 350 nghìn mỗi ký. Tất cả được đặt mua hết rồi” – Trọng bộc bạch.
Tỏi được bón bằng mùn rác cho sản phẩm không kém tỏi canh tác theo phương pháp thông thường |
Cũng đau đáu với môi trường sinh thái ô nhiễm, anh Nguyễn Văn Nhật (An Vĩnh) cũng tìm cho mình phương thức canh tác mới. Trên diện tích 900m2, Nhật bắt tay trồng tỏi sạch sinh học, hướng đến sản phẩm an toàn. Ngoài cải tạo đất bằng phân bón vi sinh tự nhiên từ rong biển, Nhật sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học thay cho các hoạt chất hoá học. Đồng thời, thuốc trừ sâu sinh học cũng do anh tự pha chế từ các sản phẩm thiên nhiên như ớt, gừng, tỏi theo tỷ lệ nhất định. Sau hai năm thí điểm và tự điều chỉnh liệu trình trồng trọt, dinh dưỡng năng suất tỏi dần được cải thiện. Năm thứ ba theo đuổi ước mơ tỏi sạch, sản lượng tỏi trên đồng đã được cải thiện.
Cho Lý Sơn phát triển bền vững
Đảo Lý Sơn được kiến tạo bởi địa chất phun trào nham thạch núi lửa cách ngày nay 25 đến 30 triệu năm. Những vách đá trầm tích, nghĩa địa san hô hóa thạch dọc ven biển là chứng tích của biến thiên đất trời. Trải qua triệu năm đã tạo nên một Lý Sơn kỳ thú, bí ẩn. Núi lửa cùng sự bồi đắp của cát biển thu hút tinh hoa thổ nhưỡng, khí chất dường như là đặc ân của đất trời giữa biển khơi dành cho người dân đất đảo.
Tự nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Lý Sơn cảnh quan kỳ thú cùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng riêng biệt nên cây tỏi được trồng ở Lý Sơn có mùi hương và vị cay nồng tinh túy đặc trưng so với các loại tỏi khác. Nghề trồng tỏi được xem là nghề chính của người dân Lý Sơn bên cạnh nghề biển.
Với diện tích trên 330 ha đất trồng hành, tỏi, mỗi năm huyện đảo Lý Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô, 3.500 tấn củ hành. Chỉ vài năm, nhu cầu sản lượng cung ứng thị trường tăng cao khiến nhà nông chạy đua năng suất, sản lượng bằng mọi giá. Hàng trăm tấn phân bón hóa học, hàng chục tấn thuốc trừ sâu được bà con sử dụng khiến đất bị bào mòn, nước ngầm bị ô nhiễm, sản lượng tỏi cũng bấp bênh. Sản xuất nông nghiệp sạch phải trở thành hướng đi tất yếu nếu “đảo ngọc” Lý Sơn muốn phát triển bền vững.
Tỏi là cây trồng chính mang lại giá trị, nguồn thu nhập lớn cho người dân đảo Lý Sơn. |
Theo “Vua tỏi” Lý Sơn – Nguyễn Văn Định cái cần nhất hiện nay là Lý Sơn phải xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch. Đồng thời, chính quyền cần có sự quyết liệt với những chính sách mở khuyến khích nhà đầu tư, nhà nông đồng hành tìm giải pháp trồng sinh học, thay cho phương thức trồng lạm dụng hóa chất như hiện nay thì giấc mơ nông nghiệp sạch mới trở thành hiện thực. Bởi theo đuổi tỏi sạch nhưng các cánh đồng “hàng xóm” vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học thì sẽ thất bại.
Gắn bó nhiều năm với đất đảo, lĩnh vực nông nghiệp, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND đảo Lý Sơn cho rằng, sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó có tỏi hữu cơ đang là hướng đi của huyện đảo để Lý Sơn xanh, sạch, đẹp. Huyện đã yêu cầu các phòng chức năng nghiên cứu các giải pháp để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh về nông nghiệp sạch; thu hút, kết nối các nhà đầu tư làm nông nghiệp sạch, đồng thời, gắn việc sản xuất này với phát triển du lịch, từ đó sẽ có nhiều người biết đến và tin dùng các nông sản sạch của huyện đảo.
“Địa phương ủng hộ việc trồng tỏi hữu cơ bởi không chỉ tăng giá trị cho chính sản phẩm đặc trưng vùng tỏi nổi mà còn tăng giá trị gia tăng cho du lịch, dịch vụ. Chẳng hạn, sẽ kết hợp để khách du lịch tham quan, trải nghiệm trồng tỏi hữu cơ thì sẽ cải thiện được thu nhập của người nông dân ” – Bà Phạm Thị Hương chia sẻ.
Mùa thu hoạch tỏi ở Lý Sơn |
Rõ ràng, thay đổi thói quen là điều không thể dễ dàng, nhất là khi điều đó gắn với lợi ích kinh tế trước mắt. Với quyết tâm và sức trẻ của mình, những người trẻ ở Lý Sơn đã và đang thực hiện giấc mơ bảo vệ môi trường, dần thay đổi thói quen sản xuất của bà con xứ biển./.