Theo số liệu thống kê tuần (từ ngày 30/9/2018 đến 6/10/2018), nhìn chung chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội có xu hướng giảm xuống. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt mức tốt tại các điểm quan trắc ít hơn, số ngày AQI chạm ngưỡng kém tăng lên, nhưng nhìn chung, chất lượng không khí ở phần lớn các điểm vẫn duy trì mức Trung bình. Minh Khai là trạm có chỉ số chất lượng không khí chạm ngưỡng kém cao nhất (6/7 ngày).
Trong tuần, chỉ số chất lượng không khí dao động trong khoảng 47 - 176. Các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 47 - 101, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 52 - 176.
Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức trung bình, tuy nhiên số ngày AQI ở mức tốt giảm đáng kể. Cụ thể, trạm Kim Liên có tỷ lệ số ngày AQI đạt mức tốt giảm từ 57.1% xuống còn 14.3%; tiếp đến là trạm Tân Mai từ 42.9% xuống còn 14.3% và Mỹ Đình từ 28.6% cũng xuống còn 14.3%; trạm Tây Mỗ 100% số ngày AQI ở mức trung bình; riêng trạm Trung Yên 3 xuất hiện 1 ngày AQI chạm ngưỡng Kém (6/10, AQI là 101), chiếm 14.3%.
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này chỉ số chất lượng không khí ở mức khá cao, cụ thể trạm Minh Khai có 6/7 ngày AQI chạm ngưỡng kém (liên tiếp từ ngày 1/10 đến 6/10) chiếm 85.7% còn lại ở mức trung bình, trạm quan trắc Phạm Văn Đồng có 2 ngày AQI chạm ngưỡng kém (4/10 và 6/10) chiếm 28.6% trên tổng số ngày. Những ngày AQI chạm ngưỡng kém chủ yếu do nồng độ bụi PM2.5 vượt giới hạn. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này cao lần lượt là 176 và 158.
Bụi mịn, hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi PM2.5 có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thư, hô hấp. Nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời thường tăng khi không khí bị tù đọng (rất ít gió và không khí ít được hòa trộn), khi khói bụi không được gió thổi đi, hoặc khi gió đưa không khí ô nhiễm từ nơi khác tới. Khi nồng độ bụi PM2,5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Những tình trạng này tương tự như khi độ ẩm cao hoặc sương mù. |
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, theo ghi nhận trong tuần này trạm Hàng Đậu xuất hiện 2 ngày AQI chạm ngưỡng kém chiếm 28.6% còn lại ở mức trung bình; riêng 2 trạm Hoàn Kiếm và Thành Công trong tuần này không có ngày nào AQI đạt mức tốt, 100% số ngày AQI ở mức trung bình.
Từ bảng thống kê chỉ số chất lượng không khí tuần này tại các điểm quan trắc cho thấy sự chênh lệch AQI khá rõ rệt giữa tuần này và tuần trước đó. Trong tuần trước đó trên toàn TP xuất hiện nhiều trận mưa, tạo điều kiện thuận lợi để các chất thải, khói, bụi khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn, bề mặt đô thị cũng sạch hơn giúp cho không khí xung quanh ở gần mặt đất chứa ít các chất gây hại tới sức khỏe con người; tuy nhiên trong tuần này từ ngày 1/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết hơi hanh khô, độ ẩm khá thấp, không có mưa, các khí thải khói bụi không phát tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị khiến cho nồng độ các chất ô nhiễm giảm rất chậm, do đó chỉ số không khí trong tuần luôn ở mức khá cao.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt (0 - 50), các chuyên gia đánh giá không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình (51 - 100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài; mức kém (101 - 200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; mức xấu (201 - 300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà. |