Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ với người dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc về những thiệt hại nặng nề mà mưa lũ gây ra và trao tặng những suất quà ý nghĩa nhất đến với đồng bào bị nước lũ nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn… |
Cánh đồng hoa màu, rau quả thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được xem là vùng trồng rau chuyên canh lớn nhất của tỉnh Quảng Nam khi có hơn 300 hộ dân sản xuất với diện tích khoảng 50ha. Đây là cánh đồng rau cung cấp chủ yếu cho chợ Đầu Mối và một số siêu thị trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Khác với không khí vui tươi sản xuất trên cánh đồng rau thời điểm này nhiều năm trước, những ngày này về Bàu Tròn, chỉ thấy khung cảnh xơ xác, tiêu điều. Sau mấy đợt mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay, cánh đồng rau Bàu Tròn như thành bình địa; đất cát bồi lấp luống rau, những giàn ổ qua, đậu tây,… nằm rạp; những loại hoa màu mới gieo sạ thì chết héo sau khi nước rút.
Cánh đồng hoa màu Bàu Tròn đìu hiu, đất vẫn còn đọng nước, nhão nhoẹt, các loại rau màu bị ngập úng, hư hại |
Dường như người nông dân ở Bàu Tròn không còn hy vọng gì cho vụ thu hoạch tiêu thụ Tết nữa, nên họ cũng chẳng buồn ra đồng. Lác đác vài người phụ nữ, vì tiếc của lại ra đứng trên cánh đồng của gia đình mà thở dài. Thi thoảng trời lại đổ một trận mưa rào khiến nỗi đau mất mùa của người nông dân như càng nhân lên gấp bội. Bà Phan Mười (trú thôn Bàu Tròn, xã Đại An) chia sẻ, gia đình bà có gần 2 sào đất, được trồng ổ qua, đậu tây, ớt để bán dịp Tết này. Ai ngờ trận lũ đầu tháng 12 đã làm chết úng cả. Không nản, sau khi lũ rút, gia đình bà lại ra đồng, trồng thêm các loại hoa màu ngắn ngày để kịp tiêu thụ Tết. Nào ngờ lại một trận lũ nữa ập đến, vậy là tiêu tan bao hy vọng, bao đợi chờ về một cái Tết ấm no.
Ông Trần Văn Mai- Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, theo kinh nghiệm, sau ngày 23/10 âm lịch hằng năm không còn lũ nữa nên hầu hết nông dân các vùng chuyên canh rau, màu đã xuống giống. Hiện, các loại rau màu như ớt, đậu tây, bắp, đu đủ, ổ qua... đều bị ngập úng, hư hại. UBND huyện chỉ đạo các xã và bà con nhân dân những gì còn có thể khắc phục được thì khắc phục, những vùng gieo tỉa bị hư hỏng sẽ cố gắng gieo trồng trở lại bằng các loại hoa quả ngắn ngày để có thu nhập phần nào đối với nhân dân từ nay đến Tết.
Vườn đu đủ hoang tàn sau mưa lũ, chỉ chờ nắng lên là sẽ vàng rụng lá, chết dần |
Còn ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, tình hình mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay đã làm hơn 2.500ha hoa màu của huyện bị hư hại hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 90 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là cánh đồng hoa màu tại các xã Đại An, Đại Lãnh, Đại Hồng. Nhiều hộ gia đình mất trắng 30-40 triệu đồng khi xuống giống 2-3 đợt đều bị mưa lũ làm hư hại.
Báo cáo tại buổi kiểm tra khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra tại tỉnh Quảng Nam chiều qua (19/12) của Đoàn công tác Bộ Tài nguyên & Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết, để khắc phục những thiệt hại do hậu quả của mưa lũ trên diện rộng trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Trung ương hỗ trợ trước mắt 8 tỷ đồng để mua giống cây trồng cấp cho địa phương phục vụ sản xuất, 20 tỷ đồng để khắc phục hư hỏng các công trình thủy lợi, 30 tỷ đồng khắc phục hư hỏng công trình giao thông. Ngoài ra, địa phương cần khoảng 100 cơ số thuốc dự phòng, 2 tấn CloruaminB, 100.000 viên thuốc aquatab.
Một giàn đậu tây ở cánh đồng Bàu Tròn, xã Đại An xác xơ, tiêu điều sau mưa lũ |
Tại xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ với người dân xã Đại Hồng về những thiệt hại nặng nề mà mưa lũ gây ra và trao tặng những suất quà ý nghĩa nhất đến với đồng bào bị nước lũ nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn… Bộ trưởng Trần Hồng Hà động viên, an ủi những hộ gia đình đã bị nước lũ nhấn chìm tất cả diện tích hoa màu đã nhân giống trước đó: “Thiên tai thực sự khó lường, trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu một cách mạnh mẽ, lũ lụt là một trong những tai ương khó lường trước được. Tôi mong bà con nhân dân xã Đại Hồng cố gắng vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này, để trở lại ổn định cuộc sống”.
Tại buổi khảo sát thiệt hại tại huyện Đại Lộc sáng nay (20/12), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: “Tỉnh chủ trương hỗ trợ tối đa cho nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại một cách chính xác, đúng cả về số liệu tổng thiệt hại cũng như thiệt hại của từng hộ gia đình. Ngoài ra, các địa phương cần làm việc với các đại lý bán giống cây trồng, không tăng giá bán nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người dân trong điều kiện cây giống gặp nhiều khó khăn như hiện nay”.
Anh Dũng