Xã hội

Nông dân Lạng Sơn vươn lên làm giàu

Hoàng Nghĩa 18/07/2023 16:19

(TN&MT) - Tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Qua đó, đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong phát triển kinh tế, kết hợp với tích cực triển khai các hoạt động BVMT, xây dựng NTM.

Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

Là tỉnh miền núi vùng cao, đất đai chủ yếu là đồi núi, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt mạnh nên diện tích đất để canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tích tụ đất đai, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Khắc phục khó khăn, người dân Lạng Sơn đã chủ động tìm tòi, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế.

Từ đó, đã xuất hiện những gương tập thể đơn vị, cá nhân nông dân năng động, sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, mạnh dạn đầu tư phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao, sức cạnh tranh tốt, có thị trường tiêu thụ, từ đó làm giàu chính đáng cho gia đình.

Đến thôn Lân Luông (xã Long Đống, huyện Bắc Sơn), chắc hẳn ai cũng biết đến hộ gia đình ông Hoàng Công Trúc với mô hình kinh tế tổng hợp. Những năm qua, để nâng cao đời sống của gia đình, ông Trúc luôn quan tâm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ đó, ông đã xây dựng được mô hình 15ha trồng rừng với các loại cây Keo, mỡ, quế, bạch đàn; 2ha cam đường canh, bưởi da xanh và 1ha cây dược liệu.

Không chỉ thế, ông Trúc còn xây dựng xưởng cơ khí tổng hợp sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất trên diện tích 200m2, tạo việc làm thường xuyên cho từ 8-10 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.

img_1689589112607_1689589535974.jpg
Mô hình chăn nuôi gà của bà Nguyễn Kim Dung tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Còn bà Nguyễn Kim Dung, khối 10 (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) cũng đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư mô hình chăn nuôi gà với quy mô lớn.

Bà đã chủ động tìm hiểu, đầu tư xây dựng dãy chuồng nuôi khép kín với hệ thống máy quạt thông gió, điều chỉnh nhiệt độ tự động công nghệ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chăn nuôi, nguồn thức ăn, nước uống luôn và đảm bảo môi trường chăn nuôi để đàn gà lớn nhanh, đạt trọng lượng tốt, mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon.

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn sinh học đã đem lại thu nhập bình quân trên 450 triệu đồng/năm. Đồng thời, mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Chung tay bảo vệ môi trường

Theo Hội nông dân tỉnh Lạng Sơn, những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất luôn được Hội nông dân các cấp chú trọng triển khai.

Đến nay, nông dân Lạng Sơn đã chủ động ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải gia súc, gia cầm thành phân hữu cơ; sử dụng bể bioga tạo năng lượng vừa phục vụ sinh hoạt vừa giảm thiểu ô nhiễm. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ theo chuỗi giá trị, góp phần bảo vệ đất, nước, môi trường.

fb_img_1624030762523-1-.jpg
Nông dân Lạng Sơn thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.

Không chỉ thế, nhiều hội viên nông dân xuất sắc đã tích cực đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng công trình phúc lợi cộng đồng và ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội, giúp hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân Lạng Sơn, song song với mục tiêu phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM gắn với bảo vệ môi trường. Lựa chọn các nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp để tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia hiệu quả; tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH.

Hàng năm, các cấp Hội đều giao chỉ tiêu xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các điển hình bảo vệ môi trường.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.565 mô hình về Xây dựng đường làng ngõ xóm sáng xanh sạch đẹp; Cánh đồng không có vỏ bao bì thuốc BVTV; Xây dựng bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV, đường hoa nông dân, thắp sáng đường thôn; sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn thân thiện môi trường; mô hình trồng, bảo vệ rừng gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH…

Đồng thời, Hội đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở, hộ dân thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường trong sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH, gắn với đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc BVTV, hóa chất, an toàn thực phẩm…

tv1.jpg
Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn về BVMT cho cán bộ, hội viên nông dân.

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 16 lớp tập huấn bảo vệ môi trường tại các huyện, thành phố; tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao kiến thức pháp luật về tài nguyên, môi trường cho 400 nông dân. Triển khai tập huấn, tuyên truyền cho 100 hội viên, nông dân tại xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình về xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng xanh sạch đẹp an toàn với nhiều nội dung thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Lạng Sơn vươn lên làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO