Nông dân Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) : Khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong sản xuất
(TN&MT) - Thời gian qua, nông dân thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã nỗ lực phát triển sản xuất - kinh doanh, phát huy tối đa giá trị của đất đai, bảo vệ môi trường trong sản xuất, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tiến đến làm giàu. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Tám - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hương Thủy.
PV: Xin ông cho biết khái quát tình hình nông dân, nông thôn trên địa bàn hiện nay?
Ông Phạm Xuân Tám:
Hiện nay, nông dân thị xã Hương Thủy có 10.138 hộ, chiếm 32,2 % trên tổng số dân số toàn thị xã; có 87 chi hội tại 10/10 xã, phường với 8.169 hộ viên. Thị xã có 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, diện tích đất nông nghiệp của thị xã là 34.172,57 ha.
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, giai cấp nông dân thị xã đã đoàn kết một lòng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn biết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khai thác tiềm năng về vốn, đất đai, tài nguyên, lao động và việc làm; tiếp thu các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nhiều ngành nghề, chủ động tiếp cận thị trường, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao. Điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành và chăm sóc sức khỏe được đảm bảo, tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 100%.
Tỷ lệ cơ giới hóa đạt 100% diện tích. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển, hàng năm tăng khoảng 3,7 %. Tình hình chăn nuôi, thú y có nhiều chuyển biến, hoạt động nuôi trồng thủy sản có nhiều thay đổi tích cực, thị xã chú trọng phát triển các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, thanh trà… tại các xã vùng gò đồi. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp thường xuyên triển khai vận động cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục thực hiện chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị tại các địa phương được chú trọng...
Nhờ vậy, kết quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã phát triển đúng hướng; nông nghiệp thị xã đang phát triển theo hướng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap. Qua đó, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả được triển khai, việc trồng trọt theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và bảo vệ môi trường được chú trọng.
PV: Vậy ông có thể cho biết rõ hơn những kết quả đạt được và một số mô hình, cách làm hay để phát triển kinh tế hiệu quả mà nông dân thị xã đã thực hiện để thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong thời gian qua?
Ông Phạm Xuân Tám:
Những năm qua, Hội Nông dân thị xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ 2018-2023, các cấp Hội nông dân đã vận động hỗ trợ cho 518 hộ hội viên nông dân nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh, trong đó, có 105 hộ thoát nghèo.
Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tính đến cuối năm 2022 tăng 7,5% so với đầu nhiệm kỳ với 4.686 hộ, trong đó, hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp tỉnh là 278 hộ, tăng 21 hộ so với năm 2021. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình, tiêu biểu, như ông Võ Duật - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Hoà Phong, xã Thủy Tân; ông Ngô Văn Thịnh - Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Thủy Phương. Trong đó, ông Nguyễn Vinh - hội viên Hội Nông dân xã Dương Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen liên tục trong các năm 2020, 2021 và 2022, qua đó, tạo động lực để hội viên nông dân trên toàn địa bàn thị xã tiếp tục phấn đấu, vươn lên.
Để xây dựng mẫu hình người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thị Hội tổ chức nhiều buổi tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển du lịch cộng đồng… tại các tỉnh thành khác, tại các đơn vị trong tỉnh với hàng trăm lượt hội viên tham gia. Một số đơn vị áp dụng, xây dựng được các mô hình có hiệu quả sau khi đi học tập kinh nghiệm như Hội nông dân Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Lương, Dương Hòa… với các mô hình trồng sen lấy hạt, trồng bưởi, thanh trà kết hợp với dịch vụ tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. Hội nông dân Thủy Châu, Thủy Phù với mô hình trồng nấm rơm, trồng cây hương bài… bước đầu đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như mô hình hoa, cây cảnh Hương Lộ của hội viên Đặng Trần Quốc - xã Thủy Thanh, mô hình kinh doanh cây lâm nghiệp của hội viên Phạm Đặng Văn - phường Phú Bài; có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/tháng. Các mô hình đã có trước đây tiếp tục được đầu tư, phát triển như nuôi cá lồng ở Thủy Tân; trồng cây Hương Bài (Thủy Phù); trồng và kinh doanh rau sạch hữu cơ (Thủy Tân).
Chung tay xây dựng nông thôn mới, nông dân Hương Thủy cũng đã đóng góp gần 5,5 tỷ đồng, 3.750 ngày công và có 104 hộ đã hiến 6.655 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi ở nông thôn.
PV: Thời gian tới, Hội nông dân thị xã sẽ có những phương hướng nào để giúp đời sống người dân phát triển hơn, bền vững về kinh tế hơn?
Ông Phạm Xuân Tám:
Với khẩu hiệu “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân thị xã đặt ra mục tiêu xây dựng Hội vững mạnh toàn diện, người nông dân làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững và hiệu quả, đảm bảo môi trương sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới mạnh mẽ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội trong vận động nông dân tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và bảo vệ môi trường; Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm gắn với nâng cao chất lượng tổ chức Hội và hội viên nông dân.
Hội phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, kết nạp mới 1.250-1.350 hội viên; xây dựng mới 10-12 mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp; hàng năm có 50-55 % hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 10-15 hộ nông dân thoát nghèo bền vững…
Cụ thể hơn, hằng năm, Hội sẽ vận động hội viên nông dân đăng ký danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và cuối năm tổ chức bình xét Nông dân giỏi các cấp theo quy định, để biểu dương nông dân giỏi nhằm tạo động lực cho hội viên nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế. Vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp các hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất, góp phần giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững. Vận động nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn theo quy định; 100% cơ sở Hội xây dựng được mô hình hội viên nông dân bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Truyền vận động nông dân tham gia học nghề, khảo sát nhu cầu và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hội viên, nông dân; chú trọng đào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp, gắn dạy nghề với giới thiệu việc làm, liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo để khi học viên ra trường có việc làm. Quan tâm công tác khởi nghiệp cho nông dân thông qua việc vận động tham gia các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp do các cấp tổ chức, hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, phối hợp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương…