Thấp thỏm vì mìn nổ
Cuộc sống của nhiều hộ dân thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống luôn trong tình cảnh thấp thỏm lo lắng, bất an vì mỏ đá nằm ngay sát với khu dân cư. Việc doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá mặc dù có khung giờ nổ mìn và khối lượng nổ 40 kg/lần nhưng rung chấn do các vụ nổ là không thể tránh khỏi.
Được biết, hiện có 5 hộ dân có khoảng cách gần với mỏ đá của Công ty Thanh Hưng, hộ gần nhất 86m và hộ xa nhất khoảng 130m. Ông Đỗ Văn Thư, đại diện người dân thôn 1, xã Tân Phúc bức xúc: Tình trạng đơn vị nổ mìn gây rung chấn mạnh làm người dân lo lắng là chuyện thường ngày, khoảng cách từ mỏ đá tới nhà dân quá gần khiến chúng tôi cảm thấy bất an. Mấy ngày gần đây, do đang trong thời gian ngừng nổ mìn để cơ quan chức năng tiến hành đo khoảng cách từ mỏ đá đến nhà dân. Chúng tôi cũng hy vọng sau đợt kiểm tra, đo khoảng cách này chính quyền và doanh nghiệp sẽ đưa ra giải pháp khắc phục dứt điểm cho người dân.
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nông Cống cho biết: Đây là vụ việc người dân kiện kéo dài, trước đó, doanh nghiệp và người dân đã thương lượng bồi thường do bị nứt nhà, hỏng mái tôn, có hộ đã được bồi thường tới vài chục triệu. Hiện nay, Sở TN&MT đang tiến hành đo lại khoảng cách từ mỏ đá đến khu dân cư theo Công văn số 2078/UBND-TD ngày 25/2/2020. Có kết quả chúng tôi sẽ thông báo cho người dân và cơ quan báo chí.
Theo tìm hiểu, năm 2001 mỏ đá đi vào khai thác, đến ngày 29/8/2014 UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 310/GP-UBND cho Doanh nghiệp tư nhân Toàn Thắng, thời gian khai thác gần 30 năm, sau này Doanh nghiệp tư nhân Toàn Thắng đổi tên thành Công ty Thanh Hưng và Giấy phép khai thác khoáng sản số 310/GP-UBND được điều chỉnh theo Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 2/6/2017.
Ông Tùng cho biết thêm: Hiện tại, Công ty Thanh Hưng đang đầu tư sang đánh dây để khai thác đá, việc nổ mìn sắp tới sẽ hạn chế rất nhiều, khi đó việc phát tán bụi, đá vào khu dân cư chắc chắn sẽ gần như không còn. Tuy vậy, để chấm dứt tình trạng người dân kiện cáo kéo dài, chính quyền rất mong muốn giữa doanh nghiệp và người dân cần ngồi lại với nhau để đi đến thống nhất chung và giải quyết dứt điểm.
Hoạt động khai thác đá của Công ty Thanh Hưng khiến người dân bức xúc |
Hai bên liệu đã ăn khớp?
Khi làm việc với Phóng viên, người dân đều mong muốn bán lại nhà cho doanh nghiệp theo khung giá đền bù của Nhà nước để họ chuyển tới nơi ở mới cách xa mỏ đá. Nếu không, doanh nghiệp phải giảm lượng thuốc nổ/lần nổ để không gây rung trấn mạnh khiến người dân bất an, đồng thời, áp dụng nghiêm các biện pháp giảm tiếng ồn, không để phát tán bụi vào khu dân cư, đồng lúa… có như vậy chúng tôi mới yên tâm sinh sống lâu dài.
Ông Hà Sỹ Toàn, Phó Giám đốc Công ty Thanh Hưng cho hay: Lượng thuốc nổ/lần nổ chúng tôi vẫn đảm bảo 40kg/lần nổ theo quy định cấp phép, biện pháp chống phát tán bụi, tiếng ồn chúng tôi đã đảm bảo tốt nhất. Thời điểm này do doanh nghiệp đang phải dừng hoạt động nổ mìn để cơ quan chức năng tiến hành đo khoảng cách từ mỏ đá tới khu dân cư, trên công trường chỉ có 2 máy nghiền đá, một máy hoạt động và một máy dừng, 2 máy xúc phục vụ tại mỏ.
Ông Toàn khẳng định: Doanh nghiệp sẵn sàng thỏa thuận mua lại nhà của 5 hộ dân gần mỏ đá nhất theo giá Nhà nước quy định, nếu người dân “ép giá”, chúng tôi đành chịu. Về lâu dài, chúng tôi cũng muốn tốt cho người dân và để người dân không còn kiện cáo, doanh nghiệp đang tập trung đầu tư hệ thống đánh dây để khai thác đá, còn khu vực đánh vỉa, vị trí bất khả kháng chúng tôi mới nổ mìn.
Theo quan sát của Phóng viên, nhiều vị trí mỏ đá Công ty Thanh Hưng đang đầu tư hệ thống dây cắt để khai thác đá nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Được biết, thời gian này, doanh nghiệp đang phải dừng hoạt động nổ mìn để cơ quan chức năng vào kiểm tra, đo khoảng cách.
Trong quá trình hoàn thiện bài viết và xâu chuỗi toàn bộ ý kiến của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, phóng viên đã điện thoại lại thông báo cho phía đại diện người dân: Chính quyền ủng hộ phương án người dân và doanh nghiệp tiến hành thỏa thuận mua bán nhà, chính quyền sẽ hỗ trợ pháp lý, còn phương án và tiến độ thỏa thuận, hai bên tự quyết đi đến thống nhất chung. Đại diện cho nhiều hộ dân, ông Đỗ Văn Thư đã chấp thuận phương án này.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Quy chuẩn Việt Nam 02-2008/BCT của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp có nêu rõ “Khi nổ ở sườn núi, đồi thì bán kính vùng nguy hiểm theo hướng văng xuống phía dưới không được nhỏ hơn 300m”.