Xã hội

Nỗi niềm nghề biển

Văn Dinh 28/06/2024 - 17:24

(TN&MT) - Chiều tà, sóng lớn, những cơn mưa bất chợt của mùa hạ càng khiến cho ngư dân ở Thừa Thiên – Huế thêm đăm chiêu, lo âu. Bởi, ngoài ngư trường sụt giảm nguồn lợi hải sản thì giá nguyên liệu tăng cao, giá cả hải sản rớt giá, chủ tàu không tìm được người lao động đi biển... đã khiến nhiều tàu thuyền phải “trùm mền”, đời sống của ngư dân bấp bênh trong công cuộc mưu sinh từ biển.

Vùng biển Thuận An một ngày giữa tháng 6, trời âm u, đang ngồi vá lại những mảnh lưới trước hiên nhà, khuôn mặt ông La Có (53 tuổi) tỏ vẽ ngán ngẩm. Ông Có chia sẻ, hơn một tuần qua tàu của gia đình phải nằm bờ, bởi giá nguyên liệu cao, giá thuỷ hải sản thì thấp nên không dám đi vì sợ lỗ. Cứ ra khơi là lỗ, từ đầu năm đến nay gia đình đi biển được 3 chuyến trong đó có 1 chuyến lấy lại vốn, 2 chuyến còn lại lỗ nặng.

“Vì kinh tế vốn dĩ đã khó khăn sẵn nên gia đình quyết đi biển để kiếm đồng ra đồng vào, thế nhưng càng đi lại càng lỗ khiến cho cuộc sống khó thêm khó. Có nhiều khi tôi muốn bỏ công việc này, chứ tiền kiếm ra thì ít mà bù lỗ thì nhiều. Thế nhưng nghĩ đến nhiều năm nay bám biển, yêu biển mà giờ bỏ biển đi thì không nỡ”, ông Có bộc bạch.

hue-bien-1.jpg
Ông Có đang cho tàu nằm bờ và ngồi sửa ngư lưới cụ
của gia đình. Ảnh: Văn Dinh

Phường Thuận An có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế với khoảng 170 tàu, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa. Theo lão ngư La Có, nguồn lao động ở vùng biển Thuận An thời gian qua bỏ việc đi biển để kiếm việc làm khác thu nhập ổn định hơn. Một phần nguyên do là có thời điểm giá bán các loại xăng tăng. Giả sử lúc trước chi phí khoảng 50 triệu thì bây giờ phải tăng lên đến gần gấp đôi...

Những năm qua, việc khai thác hải sản biển không hề dễ dàng, cá tôm thì ít hơn trước đây. Trở về sau những ngày dài lênh đênh trên biển, lên nóc tàu gấp lại lá cờ Tổ quốc, anh Nguyễn Hữu P. (37 tuổi, phường Thuận An) cho hay, chuyến đi biển lần này sẽ khó bù đủ chi phí do lượng thủy hải sản thu được ít hẳn so với nhiều chuyến đi trước. Chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng cao mà số lượng và giá hải sản cũng bấp bênh nên nghề đi biển mấy tháng nay khó quá... Sau chuyến này dù muốn hay không muốn cũng phải cho tàu nằm bờ dài ngày.

3-1-.jpg
Ngư trường sụt giảm nguồn lợi hải sản, giá nguyên liệu tăng cao, chủ tàu không tìm được người lao động đi biển... là những lý do khiến nghề biển ở Thừa Thiên – Huế đang rất ảm đạm. Ảnh: Văn Dinh

Ở xã Phú Thuận, một trong những địa phương có người dân đi biển nhiều của huyện Phú Vang, từ sau Tết đến nay, tình hình lao động nghề biển gặp rất nhiều khó khăn.

Ngư dân Ngô T. (thôn An Dương, xã Phú Thuận) nói rằng, sau lễ xuất quân đánh cá vụ Nam vào Tết nguyên đán vừa rồi, đến nay tàu cá của gia đình ông phải neo đậu ở âu thuyền phần lớn thời gian. Mỗi tối phải ra tàu ngủ để canh giữ máy móc, chống trộm cắp.

“Mỗi chuyến biển tàu đi từ 10 đến 15 ngày, đánh bắt xa cả hơn 100 hải lý và có khi ra đến ngư trường Hoàng Sa nên tàu phải cần đến hơn 10 lao động. Tuy nhiên tìm đỏ mắt vẫn khó đủ người đi biển. Việc đi biển rất chú trọng nhân công, nếu không đủ người khi ra khơi sẽ khó làm nổi hết các công việc và sản lượng cũng chắc chắn thấp”, anh T. thổ lộ.

hue-bien-2.jpg
Nhiều tàu thuyền “trùm mền”, đời sống ngư dân đang gặp khó. Ảnh: Văn Dinh

Việc thiếu hụt nhân công, lao động đi biển đã và đang khiến nhiều tàu thuyền “trùm mền”. Theo các chủ tàu, hiện lao động đi biển phần lớn là người địa phương nằm trong độ tuổi từ 20 - 50 tuổi. Bình quân mỗi chuyến biển kéo dài khoảng nửa tháng, ngoài tiền nhiên liệu xăng dầu, tiền ăn uống cho các lao động đi trên tàu thì tùy thuộc vào sản lượng hải sản tàu đánh bắt được để bán và chia lợi nhuận cho người lao động. Và trên thực tế, một số tàu cá do đánh bắt hải sản không đạt sản lượng, doanh thu thấp nên không thể kêu gọi được bạn tàu đi biển.

z5543988890971_8c8a064767b1f55a9e720595c1e3b206.jpg

Càng đi biển lại càng lỗ khiến cho cuộc sống khó thêm khó.

Nghĩ đến nhiều năm nay bám biển, yêu biển mà giờ bỏ biển đi thì không nỡ...

Ngư dân La Có

Ảm đạm là không khí chung giờ đây của phần lớn lao động biển. Nhiều chủ tàu và ngư dân dù không mong muốn nhưng cũng đành ‘treo” tàu nằm bờ. Người dân trăn trở vì cho tàu thuyền “ngủ” dài ngày thì “mai đây con cái mình ăn học ra sao”. Nhiều người phải cắn răng đi vay mượn để trang trải chi phí sinh hoạt. Kinh tế từ biển là cả nguồn sống của họ.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 680 tàu cá có đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia, tập trung chủ yếu ở các phường Thuận An, Hải Dương (TP. Huế), xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), Lộc Trì (huyện Phú Lộc)... Những tàu này, khi vào mùa hoạt động cần hàng nghìn lao động đi biển. Những năm trở lại đây, lực lượng lao động nghề biển có chiều hướng giảm và đang bị già hóa, giới trẻ không còn mấy mặn mà với biển, nhiều thanh niên quyết định không nối nghề cha ông mà tìm hướng đi mới khiến nghề biển nay càng hẫm hiu hơn.

Theo đại diện Ban Quản lý Cảng cá Thừa Thiên – Huế, mọi năm, cứ sau Tết Nguyên đán lại xuất hiện tình trạng thiếu “bạn biển”. Hiện nay, tại Cảng cá Thuận An có nhiều tàu nằm bờ do không đủ lao động. Đó cũng là nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản qua cảng không được nhiều.

z5544109902879_c1ee43c46e86bf074e1a207cc9d719e3.jpg
Lực lượng lao động nghề biển đang bị già hóa, giới trẻ không còn mấy mặn mà với biển. Ảnh: Văn Dinh

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Dân – Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, những năm trước, xã có 54 chiếc tàu khai thác xa bờ, trung bình có khoảng 9 -10 bạn thuyền trên một chiếc. Qua từng năm số lượng tàu, thuyền và lao động giảm dần, hiện chỉ còn 49 chiếc tàu đánh bắt xa bờ; số lượng bạn thuyền giảm chỉ còn lại trung bình từ 5 - 6 lao động trên một chiếc. Tất cả tàu cá cần khoảng 570 lao động đi biển nhưng năm nay bị thiếu hụt nghiêm trọng, chỉ còn gần 300 người. Ngoài ra xã còn có 129 phương tiện ghe gọ và thuyền hoạt động vùng đầm phá.

“Nguồn lợi thủy sản ở ngư trường truyền thống của ngư dân Phú Thuận ngày càng giảm nên nhiều tàu làm ăn không hiệu quả, không thu hút được lao động. Số người nằm trong độ tuổi lao động nghề biển chuyển sang làm các nghề khác hoặc đi nước ngoài làm ăn, sinh sống. Năm 2022, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân toàn xã đạt 6.379 tấn nhưng năm 2023 giảm còn 5.600 tấn. Trước thực trạng sản lượng đánh bắt hải sản sụt giảm, hiện chính quyền địa phương đang tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân thường xuyên vươn khơi bám biển dài ngày vừa khai thác đánh bắt thủy sản vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra tổ chức các cuộc hội nghị chuyên đề về đánh bắt khai thác và nuôi trồng thủy sản để nắm bắt tình hình khai thác, sản xuất và tâm tư nguyện vọng của bà con”, ông Dân thông tin.

anh-bo-sung-8.jpg
Ngư dân Trần Văn Cường. Ảnh: Văn Dinh

“Vốn là con nhà ngư, tôi rất yêu biển, nhưng nghề biển nó cũng lênh đênh như con sóng. Ngày trước tôm cá đầy khoang, bây chừ những chuyến đi biển, bữa có bữa không là chuyện bình thường, đau đáu suy nghĩ không biết chuyến biển này có thông suốt không, có đánh bắt được nhiều cá không, trừ chi phí thì có dư dả không... Ngoài ra, đi biển cũng sợ tàu khác đâm va phải, thậm chí là sự uy hiếp của tàu lạ. Con tàu hơn 1.000 mã lực của tôi giờ đây cũng thường xuyên nằm bờ”, ngư dân Trần Văn Cường (SN 1991, phường Thuận An, TP. Huế) thở dài nói.

Thừa Thiên - Huế có đường bờ biển dài hơn 120 km. Lâu nay, người dân luôn nỗ lực bám biển, xem biển cả là quê hương. Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động, trong đó lao động khai thác hải sản xa bờ khoảng 5.000 người.

hue-bien-3.jpg
Đời sống của ngư dân đang bấp bênh trong công cuộc mưu sinh từ biển. Ảnh: Văn Dinh

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngành thủy sản tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền bà con ngư dân nỗ lực bám biển.

“Chúng tôi hiện đang khuyến khích bà con ngư dân phát triển đội tàu công suất lớn, có trang thiết bị hiện đại như máy dò cá, máy định vị, bảo quản đông lạnh, đầu tư hầm bảo quản để tăng chất lượng sản phẩm thủy sản trên tàu xa bờ. Đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thường xuyên cải tiến ngư lưới cụ, mạnh dạn đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả. Mặt khác ưu tiên các tàu phát triển các nghề khai thác sản phẩm có giá trị xuất khẩu để nâng cao năng suất, sản lượng đánh bắt hải sản, giúp chủ tàu có thêm thu nhập và kinh phí để chi trả cho người lao động. Từ đó mới có thể giữ chân và lôi kéo được người lao động đi biển dài ngày”, ông Bình khẳng định.

Lao động biển ngày càng khó khăn, và bản chất thị trường lao động là tự do cho nên tùy theo mỗi chủ tàu, rồi khả năng đầu tư của tàu, khả năng huy động nguồn lực của các chủ tàu... Ngành thủy sản không can thiệp về thị trường lao động. Tuy nhiên, về góc độ quản lý thì cũng khuyến cáo các chủ tàu, thuyền trưởng cơ giới hoá, hiện đại hoá các khâu trong quá trình khai thác thủy hải sản, phải đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại. Qua đó, năng suất lao động sẽ tăng lên, bản thân người lao động sẽ được có giá trị cao hơn và chủ tàu thu nhập nhiều hơn.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh
Thùa Thiên – Huế

Với mỗi ngư dân Thừa Thiên – Huế, biển khơi gắn bó với họ như mảnh vườn, thửa ruộng của người nông dân. Dường như biển đã ngấm sâu trong máu thịt, không chỉ là nơi gắn bó nghề nghiệp mà đã trở thành hồn cốt của ngư dân. Mỗi lần đi biển là đối diện trăm ngàn cái khó, là mỗi lần đặt cược tính mạng mình trên đầu sóng, ngọn gió. Mong rằng, mẹ thiên nhiên luôn yên bình; bà con sẽ bỏ lại sau lưng những vất vả của nghề, tiếp tục kiên trì bám biển, cuộc sống mưu sinh từ biển sẽ khấm khá hơn; và qua đó luôn nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm nghề biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO